Tư vấn sử dụng điện

Sử dụng tiết kiệm và thông minh với đèn LED

Thứ hai, 6/3/2017 | 13:23 GMT+7
Với công dụng chiếu sáng không khác bóng đèn sợi đốt truyền thống, nhưng độ bền và lượng điện tiêu hao thấp hơn nhiều khiến đèn LED đang ngày càng phổ biến.

Độ sáng
 
Trước hết là việc hiểu rõ những thông số cơ bản trên bao bì sản phẩm đèn LED. Thông số đầu tiên cần quan tâm là chỉ số về độ sáng của đèn. Nhiều nhà sản xuất thường ghi chú "tương đương với bóng đèn 60 watt" để giúp người mua có thể hình dung về đặc tính tương đương của loại đèn này.
 
Tuy nhiên thông tin về một bóng đèn 60 watt mới chỉ giúp người mua hiểu rằng nếu dùng bóng đèn đó trong 1 giờ đồng hồ, nó sẽ tiêu hao 60 watt điện. Trong khi đó, thông số về độ sáng của đèn LED thì lại dùng đơn vị lumen để tính.
 
Theo đó chỉ số lumen càng cao thì bóng đèn càng sáng. Dẫu thế vì chỉ số này vẫn chưa đủ thông dụng nên nếu nói một bóng đèn là 850 lumen hay cái khác là 1.100 lumen thì vẫn rất khó để người mua hình dung được. Vì lẽ đó mà nhà sản xuất phải nói thêm thông tin "tương đương" với bóng đèn truyền thống này.
 
Đây là bảng "quy đổi" mức tương đương giữa chỉ số watt của bóng điện truyền thống và chỉ số lumen của bóng đèn LED theo tiêu chuẩn Energy Star:
 

Watt Lumen
40 450
60 800
75 1.100
100 1.600
150 2.600
 
Tuy nhiên cũng có thể xảy ra tình huống bạn thấy nhà sản xuất ghi là bóng đèn LED 850 lumen tương đương với bóng đèn 75 watt, nhưng khi lắp về nhà lại thấy không thật hài lòng với độ sáng của nó.
 
Màu sắc
 


Độ sáng là một vấn đề, nhưng màu sắc của đèn LED lại là một yếu tố đáng quan tâm khác. Các nhà sản xuất đèn LED đã sử dụng thang chia nhiệt độ từ 2.700 - 6.500 Kelvin để thông báo với khách hàng rằng bóng đèn này có ánh sáng ấm và hơi vàng (có cấp thấp trong bang chia độ), hay có độ sáng và trắng hơn (chỉ số cao trong thang chia độ).
 
Bóng đèn LED có chỉ số Kelvin cao tương đương với ánh sáng ban ngày, đủ dùng cho đọc sách, trong khi chỉ số này thấp có thể thích hợp cho nhiều phần trong căn nhà vốn chỉ cần ánh sáng dịu, hơi vàng.
 
Cũng liên quan tới màu sắc của đèn LED, người dùng cũng cần quan tâm tới chỉ số hoàn màu (color-rendering index - CRI) là chỉ số phản ánh độ trung thực của màu sắc vật được chiếu sáng. Giá trị CRI càng cao chất lượng đèn càng tốt.
 
CRI nằm trong khoảng từ 0-100, theo đó CRI=100 là chuẩn của ánh sáng ban ngày, cho thấy màu sắc trung thực nhất của vật. Tuy nhiên trên thực tế chỉ số này không phải lúc nào cũng có trên bao bì hay sản phẩm đèn LED.
 
Một đặc điểm chỉ có ở đèn LED mà bóng đèn truyền thống không có là khả năng đổi màu sắc. Theo đó các sản phẩm đèn LED của Philips, Misfit, và Lifx có thể chuyển từ màu xanh lá sang xanh da trời, sang tím và ngược lại.
 

Tiết kiệm, thông minh
 
Nếu đặt lên bàn so sánh giữa bóng đèn truyền thống và đèn LED, có thể thấy rõ sự chênh lệch về chi phí giữa hai công nghệ chiếu sáng này rất rõ ràng.
 
Ví dụ một bóng đèn LED 800 lumen của hãng Cree tương đương bóng đèn 60 watt có giá 8 USD sẽ tiêu hao 9,5 watt điện/h và tốn khoảng 1,14 USD tiền điện một năm nếu bạn bật nó mỗi ngày 3 tiếng và phải trả 11 cent/kwh. Trong khi đó một bóng đèn truyền thống 60 watt sẽ tiêu thụ hết 60 watt điện cho mỗi giờ chiếu sáng, theo đó bạn có thể tự tính được hóa đơn điện trong trường hợp này.
 
Mặc dù có thể nhiều người còn chưa hài lòng với giá bán của đèn LED, tuy nhiên xét về độ bền và tiết kiệm chi phí trong quá trình sử dụng, có thể thấy mức giá đó có thể chấp nhận. Trên thực tế các nhà sản xuất đèn LED vẫn đang nỗ lực không ngừng trong việc hạ giá thành sản phẩm để thu hút nhiều người dùng hơn.
 
Một số hãng sản xuất bóng đèn LED còn tạo ra những sản phẩm thông minh, khiến bạn có thể lên kế hoạch trước để các bóng đèn này tự bật lên khi trời tối.
 
Một vài loại bóng đèn kiểu này hoạt động qua kết nối Bluetooth, số khác có thể cần có một trung tâm kết nối. Có những hãng còn sản xuất các loại bóng đèn đổi màu không cần trung tâm kết nối và có thể sử dụng wifi.
Theo: Tuổi trẻ