Cấu tạo bên trong của thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo trên các trang mạng xã hội.
Những thiết bị được giới thiệu sử dụng đơn giản như chỉ cần cắm vào ổ cắm điện là có thể giúp tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ trong gia đình; thậm chí có thể tiết kiệm lên đến 40%. Vậy những loại thiết bị này có thực sự giúp tiết kiệm điện hay chỉ là những chiêu trò lừa đảo của những đối tượng kinh doanh bất chính?
Gần đây nhất, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một quảng cáo với tần suất dày đặc về loại thiết bị có tên gọi là Electricity Saving Box để sử dụng trong gia đình nhằm giảm bớt lượng điện năng tiêu thụ hằng tháng. Thiết bị này có giá bán khoảng 600 - 700 ngàn đồng/bộ được giới thiệu rất hấp dẫn: “Hãy để chúng tôi tiết kiệm điện giúp bạn!”; “Bạn đã biết cách tiết kiệm điện chưa?”; “Bí quyết cắt giảm hóa đơn tiền điện từ 2-2,5 lần”... Có quảng cáo giới thiệu sản phẩm tiết kiệm điện được thử nghiệm bằng cách dùng quạt máy mắc nối tiếp với đồng hồ điện để đo sản lượng điện. Theo đó, lúc không có thiết bị tiết kiệm điện, sản lượng điện tiêu thụ hiển thị trên đồng hồ điện có giá trị lớn hơn so với khi mắc thiết bị tiết kiệm điện vào. Từ đó, người bán hàng kết luận với khách hàng là thiết bị của họ có khả năng tiết kiệm điện siêu việt.
Trước thực trạng trên, Trung tâm Sản xuất Thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp cùng Ban Kiểm tra giám sát Mua bán điện Tổng Cty Điện lực miền Trung đã thực hiện một số thí nghiệm để phân tích, xác minh điều này. Khi “giải phẫu” sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi là Electricity Saving Box để thí nghiệm thì chẳng có gì đặc biệt. Sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và 2 bóng đèn led. Sau quá trình thí nghiệm cho thấy, thiết bị tiết kiệm điện Electricity Saving Box khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ của tải. Dẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công-tơ). Như vậy có thể hiểu, thiết bị tiết kiệm điện thực chất chỉ là quảng cáo ảo của nhà sản xuất đưa ra để bán sản phẩm.
Ngoài ra, trên mạng Internet cũng quảng cáo nhiều sản phẩm tương tự cùng với công dụng siêu tiết kiệm điện do “nước ngoài sản xuất” với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một sản phẩm.
Loại thiết bị được quảng cáo là giúp tiết kiệm điện một cách thần kỳ.
Trên thực tế, không có loại thiết bị nào có công dụng tiết kiệm điện năng thần kỳ như vậy. Để tiết kiệm điện hiệu quả phải xuất phát từ việc sử dụng thiết bị điện đúng cách, đúng lúc, đúng nhu cầu và chọn các thiết bị điện có công nghệ tiết kiệm theo tiêu chuẩn đã được ngành chức năng thẩm định. Chẳng hạn như khách hàng nên sử dụng bóng đèn led thay vì đèn dây tóc; máy lạnh, tủ lạnh inverter; khi ra khỏi nhà hoặc không sử dụng thì cúp cầu dao điện, rút dây ra khỏi nguồn điện hoặc điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh, tủ lạnh phù hợp; thay thế các thiết bị điện công nghệ cũ tiêu hao điện bằng các thiết bị điện ít tiêu hao điện hơn... Thiết bị được cho là “tiết kiệm điện năng tiêu thụ đến 40%” như một số quảng cáo gần đây là không có cơ sở khoa học, khách hàng không nên mua. Vì vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm tiết kiệm điện trôi nổi ngoài thị trường vì phần lớn đây chỉ là thiết bị bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện, chứ hoàn toàn không có chức năng tiết kiệm điện như quảng cáo. Người dân không nên ảo tưởng về công dụng của loại thiết bị này, mọi người hãy trở thành người sử dụng điện thông minh để tránh bị kẻ xấu lừa đảo.
Những năm qua, ngành Điện đã phát động phong trào thi đua tiết kiệm điện, nhiều gia đình nhờ sử dụng điện một cách khoa học đã góp phần tiết kiệm 5-10% sản lượng điện năng tiêu thụ. Nếu như trên thị trường có những loại thiết bị thực sự có tác dụng làm công-tơ điện chạy chậm lại thì ngành Điện sẽ bị thiệt hại nặng nề. Người dân sử dụng các thiết bị này là có hành vi vi phạm sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh tình hình sản xuất điện còn gặp nhiều khó khăn, giá điện ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao… thì khách hàng sử dụng điện cần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả chứ không nên trông chờ vào cái gọi là “thiết bị siêu tiết kiệm điện” như quảng cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn loại mặt hàng này, góp phần làm lành mạnh thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.