TCBC Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3

Thứ hai, 10/12/2012 | 08:38 GMT+7
Ngày 08/12/2012, tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.

 


Ảnh: EVN

Tham dự Lễ khởi công có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, tổ hợp các ngân hàng: Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) – Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh, Liên danh nhà thầu CHENGDA–DEC-SWEPDI–ZEPC, tư vấn giám sát thi công Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3, Lãnh đạo các đơn vị thành viên và các đơn vị trực thuộc EVN ở phía Nam, cùng toàn thể CBCNV Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 3 cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 do EVN làm Chủ đầu tư, Ban QLDA Nhiệt điện 3 thuộc EVN chịu trách nhiệm quản lý dự án, là một trong 3 nhà máy của Trung tâm Điện lực Duyên Hải, có tổng công suất khoảng 4.400MW, thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ 7) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011. Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Duyên Hải đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại quyết định số 2427/QĐ-BCT ngày 11/05/2012. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 được Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt tại quyết định số 752/QĐ-EVN ngày 15/11/2010, phê duyệt Kế hoạch đấu thầu dự án tại quyết định số 766/QĐ-EVN ngày 22/11/2010.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 nằm trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải, có tổng diện tích 878,91 ha, được xây dựng tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, cách thị xã Trà Vinh khoảng 45km về hướng Đông Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250km. Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 gồm hai tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.244MW (2x622MW), sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,8 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư dự án là 28.463,409 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu EPC là 1.177.527.060 USD (tương đương 22.292,942 tỷ đồng) gồm 85% vốn vay của Tổ hợp các ngân hàng: Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) – Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), 15% giá trị còn lại là vốn đối ứng của EVN.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là nhà máy nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu than, thông số hơi dưới tới hạn, công nghệ đốt hiện đại phù hợp với than Antraxit Việt Nam (Hòn Gai - Cẩm Phả), đảm bảo các chỉ tiêu cao về độ sẵn sàng, hiệu suất, tính ổn định, an toàn và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường do áp dụng các phương pháp lọc bụi, khử NOx và SOx thông qua các thiết bị hiện đại và tiên tiến hiện nay. Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than nội địa của Việt Nam và dự kiến là than cám 6A (Hòn Gai – Cẩm Phả) theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thuỷ có tải trọng đến 30.000DWT. Nhu cầu tiêu thụ than cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 khoảng 3,6 triệu tấn/năm.

Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 do Liên danh Nhà thầu CHENGDA – DEC - SWEPDI – ZEPC làm tổng thầu EPC, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 3 cùng Tư vấn phụ nước ngoài là tư vấn giám sát thi công (bao gồm phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công). Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 được đấu nối với hệ thống điện Quốc gia thông qua sân trạm 500kV.

Theo tiến độ đã được ký kết, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 trong vòng 46 tháng và tổ máy số 2 trong vòng 50 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.
 
Ban quan hệ cộng đồng - EVN