Tin trong nước

TP Hồ Chí Minh: Hoàn thành cơ bản tiêu chí số 4 về điện nông thôn

Thứ tư, 12/8/2020 | 08:53 GMT+7
Hiện nay, toàn bộ 56 xã trên địa bàn thành phố (TP) Hồ Chí Minh đã được phủ kín lưới điện quốc gia, cơ bản đạt tiêu chí số 4 về điện. 

TP Hồ Chí Minh: Sớm hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn.
 
Theo kế hoạch sau năm 2020, ngành Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP triển khai đầu tư, sửa chữa các công trình điện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
 
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn TP hoàn thiện và phát triển lưới điện, hoàn thành tiêu chí về điện cho các xã nông thôn. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, 100% hộ dân mua điện từ các công ty Điện lực khu vực thông qua công tơ, đấu nối trực tiếp vào lưới điện quốc gia. Lưới điện đã cơ bản hoàn thành Tiêu chí số 4 về điện nông thôn cho tất cả các xã trên địa bàn TP, với khối lượng lưới điện trên 56 xã thuộc 5 huyện đạt 5.965 trạm biến áp, với tổng dung lượng là 2.144MVA; 2.017 km đường dây trung áp và 3.564 km đường dây hạ áp. Tổng số vốn do ngành điện đầu tư cho lưới điện nông thôn trong giai đoạn này gần 2.000 tỷ đồng.
 
Giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương đã tổ chức lập Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm biến áp 110kV của Quy hoạch phát triển điện lực TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến 2016-2025, có xét tới năm 2035 và đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 654/QĐ-UBND ngày 12/02/2018, trong đó có kế hoạch đầu tư, phát triển lưới điện của 5 huyện trên địa bàn TP.
 
Hiện nay, toàn bộ 56 xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được phủ kín lưới điện quốc gia, cơ bản đạt tiêu chí số 4 về điện gồm: Có lưới điện trung, hạ áp và trạm biến áp phân phối bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về cung cấp điện, có trên 99% hộ dân sử dụng điện qua điện kế đấu nối trực tiếp từ lưới điện Quốc gia. Toàn bộ lưới điện từ trung hạ thế đến dây mắc điện đều được thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan và an toàn ngành điện từ khâu thiết kế đến thi công và nghiệm thu đóng điện công trình. Năng lực sử dụng của lưới điện nông thôn tăng gấp đôi so với trước khi điện khí hóa từ 51,25 MW lên 120,78 MW, tương ứng với sản lượng bình quân tăng từ 40 đến 85 kWh/hộ/tháng.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư cấp điện cho các hộ dân tại các xã nông thôn vùng sâu, vùng xa thời gian qua gặp một số trở ngại. Theo đó, trong quá trình đầu tư phát triển lưới điện cho các hộ dân sống ven sông, kênh, rạch, ngành điện gặp khó khăn trong việc thỏa thuận hướng tuyến, vị trí trồng trụ điện do vướng hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Tại một số khu vực hộ dân sinh sống chưa có đường giao thông, hạ tầng chưa hoàn thiện nên việc đầu tư, phát triển lưới điện gặp nhiều khó khăn. Đối với các hộ sống rải rác, không tập trung, ngành điện đã phải đầu tư dàn trải với khối lượng lưới điện và chi phí đầu tư lớn để các hộ này được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia.
 
Tiếp tục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình điện
 
Hiện, TP đang trong giai đoạn triển khai nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Đồng thời thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí về NTM theo đặc thù vùng nông thôn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 ban hành theo Quyết định số 5039/QĐ-UBND ngày 09/11/2018 của UBND TP.
 
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, theo kế hoạch sau năm 2020, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP triển khai đầu tư, sửa chữa các công trình điện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân tại các xã NTM; chỉnh trang, hoàn thiện hệ thống lưới điện tại các khu dân cư, các khu vực sản xuất đảm bảo an toàn, mỹ quan. Phối hợp triển khai Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM giai đoạn 2016 - 2020 tại các huyện, xã trên địa bàn TP.
 
Song song với việc đầu tư hiện đại hóa lưới điện để nâng cao chất lượng cung ứng điện trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương cũng đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân tại các khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa và các xã đảo, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt. Qua đó, thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được các đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh triển khai một cách đồng bộ và đạt hiệu quả, đã thúc đẩy kinh tế, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh.
Theo: Báo Công thương