Các doanh nghiệp tại TP.HCM tăng cường đầu tư công nghệ mới để tiết kiệm điện.
Trước tình hình đó, điện lực thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vừa để đảm bảo nguồn điện an toàn; tăng khả năng cung cấp điện; vận động các cấp ngành và người dân đa dạng hóa các hoạt động giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả; kiểm soát và có phương án xử lý tốt các tình huống phát sinh liên quan đến ngành điện.
Nhiều “kỷ lục” về điện trong tháng 4
Ngay trong những ngày đầu tháng 4/2024, sản lượng điện tiêu thụ của Tp. Hồ Chí Minh liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh - ngày 6/5/2023). Nổi bật trong đó, ngày 3/4 sản lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt mốc đỉnh 95,12 triệu kWh; ngày 5/4 đạt đỉnh 96,89 triệu kWh và ngày 9/4 đạt hơn 97,87 triệu kWh, tăng hơn 3 triệu kWh so với năm 2023. Đây là sản lượng điện tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay, chưa có trong lịch sử tại TP Hồ Chí Minh.
Thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cũng cho thấy, sản lượng điện tiêu thu bình quân ngày trong tháng 3/2024 đạt 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với cùng kỳ tháng năm 2023 (78,33 triệu kWh/ngày). Tổng cộng trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 10,79% và đây cũng là mức tăng cao nhất hơn 10 năm qua.
Trong đó, sản lượng tiêu thụ điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng 5,3%; sản lượng tiêu thụ điện của nhóm khách hàng sinh hoạt, hộ gia đình tăng gần 15%. Tỷ lệ khách hàng sử dụng từ thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30%; trong khi những tháng trước con số này chỉ khoảng 20% trong tổng số hơn 2,7 triệu khách hàng ở Thành phố.
Lý giải về điều này, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho rằng, thời tiết trong quý II tại thành phố thường là cao điểm nắng nóng trong năm. Riêng năm nay, nhiệt độ tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả khu vực miền Nam nói chung tiếp tục tăng đến 36 - 38 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời có lúc lên đến 40 - 41 độ C và số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn.
Đặc biệt, những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thời tiết oi bức từ sáng sớm và kéo dài đến đêm nên nhu cầu sử dụng điện tăng lên rất cao. Tần suất sử dụng các thiết bị điện trong nhà, nhất là các thiết bị làm mát, giải nhiệt của các hộ gia đình tăng, máy lạnh được sử dụng thường xuyên hơn dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm.
Ông Kiên dự báo sản lượng điện tiêu thụ trong những ngày tới và cả tháng 5/2024 tiếp tục tăng cao đến 30 - 40% sovới tháng 3. Tổng sản lượng tiêu thụ cực đại toàn thành phố dự báo có thể đạt từ 99 - 100 triệu KWh/ngày; công suất cực đại đạt gần 4.900 MW, xác lập kỷ lục mới trong mùa khô năm 2024.
Theo Hội Điện lực TP Hồ Chí Minh, điện năng tiêu thụ trong 4 tháng mùa hè cao hơn trung bình 20 - 50% so với các tháng khác; trong đó, điện năng tiêu thụ của máy lạnh chiếm 28 - 64%, tủ lạnh 6 - 22%, còn lại là tiêu thụ điện của tivi, chiếu sáng, đồ làm bếp… Các thiết bị điện tử như điều hòa, tivi, quạt, bộ thu phát sóng của tivi, wi-fi, lò vi sóng… khi không sử dụng mà vẫn cắm vào nguồn điện ở chế độ chờ “stand by” hoặc máy tính bàn, máy tính sách tay ở chế độ “ngủ” thì vẫn tiêu tốn điện.
“Đáng lưu ý, mỗi khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2 - 3% hay nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng thấp thì tiêu thụ điện năng cũng tăng lên 1,5 - 3% và càng làm lạnh nhanh sẽ vô tình làm tăng sản lượng tiêu thụ điện và chi phí điện năng cũng sẽ tăng”, đại diện Hội Điện lực thành phố chia sẻ.
Theo EVNHCMC, tính đến hết quý I/2024, toàn thành phố có hơn 2,76 triệu hộ gia đình đăng ký sử dụng điện (tăng hơn 10.000 hộ so với cuối năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm tháng 3/2024 đạt 2,623 tỷ kWh (tăng 13,47% so với cùng kỳ năm 2023), lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 7.003,84 tỷ kWh (tăng 10,97% so với cùng kỳ). Tỷ lệ thu không sử dụng tiền mặt đạt 99,84% về khách hàng và tương ứng 99,71% về tiền.
Nỗ lực kiểm soát tốt lượng điện tiêu thụ
Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng, hầu hết không ai muốn ra ngoài đường, nhất là ở những thời điểm nắng gay gắt từ hơn 10 giờ 00 sáng - 16 giờ 00 chiều. Phần lớn gia đình, cơ quan, doanh nghiệp gia tăng sử dụng các thiết bị điện, điện lạnh, điện cơ, điện tử, các thiết bị giải nhiệt, làm mát… Việc sử dụng nhiều các thiết bị điện làm gia tăng sản lượng điện tiêu thụ khiến không ít hộ gia đình lo lắng, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cũng phập phồng bởi việc tiêu thụ nhiều điện đồng nghĩa với hóa đơn tiền điện sẽ tăng theo trong những tháng tới…
Để hạn chế sản lượng điện, kéo giảm hóa đơn tiền điện, chị Nguyễn Thị Thu Hương (ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện theo chỉ dẫn của các chuyên gia ngành điện. Qua tham vấn, chị Hương đã chọn sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng, tiết kiệm điện khi mua thêm máy điều hòa cho mấy đứa nhỏ học tập, sinh hoạt, giải nhiệt cuộc sống. Theo chị Hương, dù giá cả đắt hơn đôi chút, nhưng về lâu dài rất tiết kiệm, sản phẩm hiện đại và thân thiện với môi trường…
Link gốc