Tin trong nước

Tải điện…vào rừng

Thứ năm, 4/9/2014 | 09:10 GMT+7
Tây Ninh là địa phương thuộc vùng miền Đông Nam bộ, nơi đây có địa bàn dân cư biên giới và di tích chiến khu xưa rộng lớn. Để phục vụ cư dân vùng biên giới và bảo tồn các di tích kháng chiến, hai năm qua Công ty Điện lực Tây Ninh đã nỗ lực đưa điện tỏa sáng đến tận những cánh rừng già.


Lưới điện đã phủ kín ấp Chàng Riệc, xã tân Lập, huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh

CôngThương - Tây Ninh là địa phương có nhiều căn cứ địa cách mạng như Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên), địa đạo An Thới (huyện Trảng Bàng), Chiến khu Bời Lời (huyện Gò Dầu)…, các địa danh này thường nằm ở sâu trong rừng già. Gần đây các di tích căn cứ cách mạng đã được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Không chỉ tải điện xuyên rừng để bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng và phục vụ một số người dân sống xung quanh các khu căn cứ. Tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, từ khi có điện lưới quốc gia, việc bảo tồn, duy tu các chứng tích, hiện vật lịch sử dễ dàng hơn. Những người lính bảo vệ di tích cách mạng mà chúng tôi gặp tại các căn cứ cách mạng nằm sâu trong rừng Tây Ninh biết biết họ đã bớt quạnh hiu, cuộc sống thường nhật đỡ vất vả và phục vụ khách tham quan thuận lợi hơn khi có điện.

Đến nay, Công ty Điện lực Tây Ninh (trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam) phân phối điện trên địa bàn hơn 4.000 km2 và có 240 km đường biên giới giáp ranh với Campuchia. Ông Nguyễn Hữu Lễ- Phó giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, Điện lực Tây Ninh đang cung cấp điện cho hầu hết dân sống tại các xã vùng biên giới, khu kinh tế tại cửa khẩu và các di tích căn cứ cách mạng trong rừng già. Đặc biệt ngành điện đang cung cấp điện cho một số khu vực thuộc 2 tỉnh Campông Cham và Svay Riêng của Campuchia giáp với Việt Nam theo Hiệp định về hợp tác năng lượng giữa Chính phủ hai quốc gia, tổng sản lượng điện năng cung cấp cho nước bạn khoảng 14 triệu kWh/tháng.

Bên cạnh đó, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên tiếp nhận lưới điện nông thôn và tổ chức bán lẻ đến từng khách hàng. Trước khi tiếp nhận, 161.000/ 188.000 hộ dân (chiếm tỷ lệ 85,63%) sử dụng lưới điện nông thôn do các tổ điện tự đầu tư và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, hao hụt lớn dẫn đến giá điện cao gấp 4- 5 lần giá Chính phủ quy định. Được sự chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, chỉ sau sau một năm,  Điện lực Tây Ninh đã bàn giao 110.300 hộ sử dụng điện (chiếm tỷ lệ 98,9%), lắp 107.743 công tơ bán lẻ điện và hoàn thành đường dây hạ áp 2.090 km với số vốn hàng năm khoảng trên 30 tỷ đồng.

Đến nay, tổng số hộ dân có điện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 290.435/ 291.868 hộ (đạt 99,48%), tổng số hộ dân ở nông thôn có điện là 237.079/ 238.598 hộ (đạt 99,36%) và 100% số xã, ấp đã có điện lưới quốc gia.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tường- Bí thư ấp Chàng Riệc (xã Tân lập, huyện Tân Biên), tháng 4/2012 ấp Chàng Riệc nằm giáp biên giới Campuchia được thành lập với 296 hộ dân, trong đó 61 hộ là người dân tộc Chăm, Tà Mun, Nùng, mường. Mỗi hộ dân từ các huyện ở Tây Ninh lên đây được cấp 1 căn nhà 45 m2 trên thổ cư 1.000 m2 và 10.000 m2  đất rẫy. Ông Nguyễn Ngọc Thanh Tâm- Phó giám đốc Công ty Điện lực huyện Tân Biên- cho biết,  khi người dân đến đây nhận chìa khóa nhà thì đã có điện, điện ở làng mới chạy ổn định chủ yếu dân để cho dân sinh hoạt, chưa dùng nhiều vào sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Thắng- trưởng ấp Chàng Riệc- nói, người làng mới chủ yếu làm nông, thu nhập bình quân 19 triệu đồng/người/năm, vượt xa chuẩn nghèo. Mặc dù là vùng biên giới xa xôi nhưng làng đã có trường học, trạm xá, một khu chợ sắp đưa vào sử dụng để phục vụ người dân. Bà Trương Thị Lan, ngụ nhà số H 20, ấp Chàng Riệc kể, gia đình tôi duy nhất ở Chàng Riệc nuôi bò, ba con bò nái cho 3 con và bán được 35 triệu đồng/năm, cùng với nông sản gia đình thu được mỗi năm khoảng hơn trăm triệu đồng. “ Ở làng mới thu nhập ổn định lại có điện nên cuộc sống ở đây không còn vất vả nhiều như xưa”- bà Lan nói.

Xã Biên Giới, huyện Châu Thành là một vùng xa ngái đã được phủ lưới điện đến tận từng nhà hơn hai năm trước. Nhờ có điện ổn định và giá rẻ, cuộc sống của nông dân ở đây khấm khá hẳn lên. Ông Trương Tấn Kiệt, ngụ ấp Bến Cầu, xã Biên Giới từ 35 năm nay khoe, trước đây giá điện cao gấp 4-5 lần nên làm gì cũng khó, từ khi có điện giá thấp thì mọi sinh hoạt, tưới tiêu, gặt đập hay chăn nuôi heo gà cũng dễ dàng hơn.
 
Theo: Công Thương