Tư vấn sử dụng điện

Tai nạn trong phòng tắm dễ xảy ra là vì những điều này

Thứ năm, 27/7/2017 | 08:51 GMT+7
Phòng tắm có thể là nơi thoải mái thư giãn sau cả ngày làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, nơi đây cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và nguy hiểm nhất trong nhà.

Phòng tắm được coi là nơi thư giãn nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, nhất là đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, bạn cần nhớ những điều này.

1. Để các thiết bị điện tránh xa nước

Tai nan trong phong tam de xay ra la vi nhung dieu nay
Ảnh minh họa. 

Thiết kế hệ thống dây diện trong nhà tắm là việc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất. Bạn nên đi ngầm dây điện trong tường. Hệ thống đường điện đi ngầm trong tường cần có sơ đồ thiết kế cụ thể và được lưu giữ lâu dài, tạo thuận lợi cho sửa chữa điện nước, nâng cấp và lắp đặt thiết bị sau này. Bên cạnh đó, bạn tuyệt đối không nên để đường dây thường xuyên tiếp xúc với nước, dẫn đến nhanh hư hỏng. Việc lựa chọn thương hiệu dây cáp uy tín, chất lượng, bền lâu cũng rất quan trọng. Dây điện cần được bảo vệ trong những ống gen bằng vật liệu chống cháy, nổ, chống thấm nước, cách điện.

2. Dùng thảm chống trượt

Tai nan trong phong tam de xay ra la vi nhung dieu nay-Hinh-2
Ảnh minh họa.

Trượt ngã là nguyên nhân hàng đầu xảy ra trong phòng tắm. Vì thế, bạn hãy trang bị thảm chống trượt - loại có các hạt cao su ở mặt sau để dính chặt vào sàn nhà.

3. Chú ý ổ cắm

Nhiều người có thói quen sấy tóc, sử dụng máy cạo râu, máy uốn tóc trong phòng tắm, dẫn đến việc họ phải lắp đặt một ổ cắm điện ngay trong phòng tắm. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không nên vì ổ cắm được lắp đặt ở nơi ẩm ướt như phòng tắm sẽ làm gia tăng nguy cơ rò rỉ điện. Cho nên, tốt nhất là bạn không nên lắp đặt ổ điện tại đây. Trường hợp bắt buộc phải có ổ cắm, bạn cần đặt nó ở vị trí cao, khô ráo, tránh xa bồn tắm, vòi hoa sen hoặc sử dụng loại ổ cắm có nắp đậy bảo vệ, tránh nước bắn vào. Bạn cũng phải nhớ rằng, không nên mang bất cứ thiết bị sử dụng điện cầm tay nào vào phòng tắm và hãy tắt hết các thiết bị điện trong phòng tắm khi không sử dụng đến chúng.

4. Lắp đặt đèn hợp lí

Phòng tắm thường khá tối và rất ẩm ướt, do đó nên việc lắp đặt đèn phòng tắm hợp lý là rất quan trọng. Thay vì sử dụng loại đèn treo, bạn nên chọn loại đèn trần có chụp bảo vệ để tránh tiếp xúc với nước. Bạn nên lắp đặt đèn ở vị trí cao, ngoài tầm với của người sử dụng và tốt nhất là thiết kế công tắc cho đèn bên ngoài cửa phòng tắm. Thêm một lưu ý nữa là chỉ sử dụng công tắc đèn khi tay bạn đã khô để tránh bị điện giật.

5. Lắp các thanh vịn

Hãy lắp các thanh vịn xung quanh bồn tắm, nhà vệ sinh và khu vực tắm vòi sen để bạn có thể vịn vào khi bị trượt ngã hoặc mất thăng bằng. Điều này cũng rất quan trọng khi trong gia đình có người lớn tuổi.

6. Bình nước nóng

Bình nước nóng cũng là một thiết bị khá phổ biến trong các nhà tắm hiện đại. Bạn cần chọn bình có chức năng tiết kiệm điện, an toàn, chống rò điện. Bình nước nóng nên được treo cố định trên tường, cách sàn nhà tắm 1,5 m và cách bồn tắm từ 2m trở lên, để tránh thất thoát nhiệt dọc theo đường ống. Bạn cần ảm bảo xung quanh bình khoảng 50 cm không vướng vật cản, tạo thuận lợi cho việc bảo dưỡng. Bạn phải sử dụng dây dẫn có kích cỡ phù hợp với công suất bình, bởi nếu dây dẫn bị quá tải, sẽ dẫn đến bị nóng chảy, gây chập điện. Khi lắp đặt bình vào mạng điện gia đình, bạn phải đấu nối tiếp đất, đồng thời lắp aptomat của bình bên ngoài phòng tắm.

Nhiệt độ nước tắm cũng là một yếu tố an toàn đáng lưu ý vì nước quá lạnh hoặc quá nóng đều không tốt cho cơ thể. Với nước nóng, bạn nên thử nước tắm ra tay trước khi tắm để tránh bị bỏng và luôn nhớ không để nước tắm nóng trên 55 độ C.

Những lưu ý về an toàn phòng tắm khi có trẻ em:

- Các chuyên gia cho biết, phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để tránh các tổn thương xảy ra cho trẻ trong phòng tắm là không cho trẻ vào phòng tắm khi bạn không đi cùng với trẻ. Điều đó có nghĩa là bạn cần lắp đặt một chốt cài trên cửa phòng tắm, cao hơn tầm với của trẻ, để trẻ không thể tự mở được. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng các loại khóa có thể mở được từ bên ngoài, phòng tránh trường hợp trẻ tự khóa cửa và mắc kẹt ở bên trong.

- Bạn cần biết, trẻ có thể bị chết ngạt ngay ở mực nước chỉ cần cao vài centimet. Vì thế, bạn đừng bao giờ bỏ trẻ một mình trong bồn tắm, ngay cả chỉ trong chốc lát. Trong trường hợp đang tắm cho trẻ mà bạn phải ra mở cửa hoặc trả lời điện thọai khi chuông reo, hãy trùm chiếc khăn tắm quanh người trẻ rồi ôm trẻ theo cùng. Và bạn cũng nên nhớ đừng bao giờ xả nước sẵn vào bồn tắm khi chưa sử dụng đến.

- Bạn cần đặt một tấm thảm nhám dưới sàn bồn tắm, phòng trẻ bị trơn té. Bạn cũng nên bọc vòi nước bằng một miếng đệm, giúp trẻ tránh bị thương khi vô ý đập đầu vào đó. Đồng thời, bạn nên tạo thói quen đậy nắp bồn cầuvà gắn một then cài cứng nắp bồn cầu để trẻ không thể tự mở lên được. Những đứa trẻ tò mò có thể nghịch nước trong bồn cầu, rồi bị mất thăng bằng và chúi đầu vào đó, rất nguy hiểm.

- Để phòng ngừa trẻ bị phỏng nước nóng, bạn cần đìều chỉnh độ nóng ở vòi nước ở khoảng 49 độ C. Khi trẻ đủ lớn và có thể tự mở vòi, bạn hãy hướng dẫn trẻ khi sử dụng nên mở vòi nước lạnh trước rồi mới mở vòi nước nóng sau.
Theo: Kiến thức