Ảnh minh họa.
Theo tờ Foreign Policy, Trung Quốc đang trải qua quãng thời gian khó khăn khi liên tiếp gặp các thách thức, từ nguy cơ vỡ nợ của Evergrande trên thị trường bất động sản cho đến mới đây nhất là khủng hoảng thiếu điện.
Vấn đề thiếu năng lượng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo trong vài tháng nhưng chúng đặc biệt trở nên nghiêm trọng vào tuần trước khi 20/31 tỉnh thành của Trung Quốc bị cắt điện tạm thời, gây gián đoạn hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Thậm chí tại thủ đô Bắc Kinh, nơi thường được ưu tiên trong hệ thống cung ứng năng lượng cũng phải tính đến kế hoạch cắt điện luân phiên.
Trên thực tế, việc cắt điện trước đây từng là một đặc sản của Trung Quốc khi chúng xảy ra thường xuyên và các hộ gia đình luôn chuẩn bị sẵn sàng nhiều dụng cụ dự phòng như đèn pin hay máy phát điện cho trường hợp này. Trong thập niên 2000, những người dân tại thủ đô Bắc Kinh cũng phải chấp nhận cảnh mất điện cách vài tháng 1 lần.
Bước sang thập niên 2010, nguồn cung ứng năng lượng của Trung Quốc đã ổn định và người dân bắt đầu xa lạ với việc mất điện. Nhiều tổ chức và khu dân cư dần từ bỏ máy phát điện cũng như những dụng cụ dự phòng trước đây. Hệ quả là khi mất điện quay trở lại trên diện rộng, hàng loạt tỉnh thành trên cả nước rơi vào khủng hoảng.
Tình hình nghiêm trọng đến mức người dân nhiều nơi không có sóng điện thoại để gọi cầu cứu, đèn giao thông tại một số tỉnh cũng bị tiết giảm để tiết kiệm điện trong khi hàng loạt hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Tất cả vụ việc được tóm gọn chỉ trong vòng 6 bước:
1. Than
Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc khá lớn vào than cho nhiệt điện. Khoảng 56% nguồn điện năng của nước này đến từ than. Tuy nhiên việc dùng nhiệt điện lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là với không khí nên chính quyền Bắc Kinh đã hạ quyết tâm giảm khí thải nhà kính từ nay đến 2030, bắt đầu bằng việc hạn chế dùng nhiệt điện than.
Chính yếu tố này đã khiến các cơ quan chức năng hạn chế hoạt động khai thác than, đồng thời siết chặt quản lý cũng như ban hành quy định mới với ngành khai khoáng. Đến khi đại dịch Covid-19 nổ ra, tình hình càng trở nên dễ kiểm soát khi các mỏ than tạm ngưng hoạt động trong khi nhu cầu của các nhà máy và doanh nghiệp cũng đi xuống.
2. Đại dịch
Khi nền kinh tế mở cửa trở lại và các nhà máy cần điện năng, nguồn cung của Trung Quốc bắt đầu không đáp ứng nổi. Việc đóng cửa lâu ngày cùng những quy định chặt chẽ đã khiến sản lượng than của nước này không bắt kịp. Số liệu cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2021, công suất của các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng than lại chỉ tăng 6%.
Trong khi đó, mảng điện năng thân thiện với môi trường lại chưa đủ đáp ứng được nhu cầu do đúng vào đợt nhiều mưa ít gió.
3. Tăng giá
Khi Trung Quốc định nhập khẩu than thì họ chợt phát hiện giá thị trường đã tăng giá 100% do nhiều khu vực trên thế giới như Châu Âu cũng đang cần than cho mùa đông sắp tới. Nguồn nhập khẩu than lớn là Australia cũng bị gián đoạn do căng thẳng ngoại giao và các xung đột thương mại.
4. Giá trần
Tại nhiều nước, việc tăng giá sẽ được các công ty chuyển sang cho khách hàng bằng cách nâng giá bán điện. Thế nhưng Trung Quốc lại áp mức giá trần khiến các công ty điện từ chối mua than với giá cao để rồi thua lỗ. Những nhà máy nhiệt điện thà giảm công suất hoặc thậm chí tạm ngừng hoạt động thay vì chịu lỗ.
5. Tích trữ
Bên cạnh đó, mùa đông sắp tới khiến nhiều tỉnh miền Bắc Trung Quốc, nơi khai thác than nhiều nhất nước tập trung tích trữ làm nguyên liệu sưởi ấm, qua đó càng khiến tình hình thiếu than trở nên trầm trọng.
6. Khí thải nhà kính
Cuối cùng, việc 20/31 tỉnh thành chưa đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính đã bị yêu cầu tăng cường kiểm soát các nhà máy gây ô nhiễm. Hệ quả là nhiều nhà máy bị đề nghị tạm dừng hoạt động vào giờ cao điểm hoặc thậm chí đóng cửa chờ thông báo mới. Tất nhiên nguyên nhân này đóng góp không nhiều cho cuộc khủng hoảng hiện nay của Trung Quốc và lý do chính vẫn là bởi thiếu than.
Việc thiếu điện đã khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất cung ứng cho những công ty như Apple hay Tesla bị gián đoạn sản xuất. Những đối tác của Intel, Nvidia hay Qualcomm cũng chịu ảnh hưởng và có khả năng tạo nên cuộc khủng hoảng thiếu chip mới.
Nhiều nhà máy đang chạy đua sản xuất đồ cung ứng cho mùa Giáng sinh sắp tới cũng phải tạm ngưng hoạt động, báo hiệu một kỳ lễ thiếu thốn trong bối cảnh giao thương toàn cầu chưa hồi phục sau đại dịch.
Tệ hơn, tương tự như việc Anh thiếu xăng, tình trạng thiếu điện khiến nhiều doanh nghiệp, nhà máy và hộ gia đình đổ xô đi tích trữ máy phát điện hay các dụng cụ, nguyên liệu dự phòng. Chính tác động của đám đông này càng khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng khác.
Báo cáo của Morgan Stanley cho thấy khoảng 7% hoạt động sản xuất Aluminum của Trung Quốc đã bị đình trệ sau vụ mất điện tuần trước. Con số này là 29% cho xi măng, giấy và kính.
Điều đáng ngạc nhiên là trong khi nhiều nơi giảm sản lượng vì thiếu điện thì công xưởng sản xuất thép cách 100 dặm từ Bắc Kinh lại được lệnh hạn chế sản xuất nhằm giữ cho bầu trời thủ đô trong xanh trong kỳ Thế vận hội mùa đông tổ chức vào tháng 2/2021 tới đây.
Như một hệ quả tất yếu, Goldman Sachs và Nomura đều hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc từ 8,2% xuống chỉ còn 7,7%.