Người công nhân điện “cầm bút” Trần Tam Quân.
Họ công tác ở nhiều lĩnh vực, bộ phận khác nhau, song tất cả đều có chung một mục đích là truyền tải thông tin của đơn vị, của ngành để mọi người hiểu và chia sẻ với công việc của người thợ điện. Trần Tam Quân (Điện lực Liên Chiểu, PC Đà Nẵng) là một người công nhân điện “cầm bút” như thế.
“Đến với “nghề làm truyền thông”, nó khiến tôi lạ lẫm lúc ban đầu, mê mẩn lúc tìm hiểu và đam mê trong suốt quá trình làm việc. Phải nói, sức hút của nó đối với tôi chưa bao giờ hạ nhiệt mà còn tăng dần theo thời gian. Tôi cảm thấy rất mừng khi phần nào đã làm chủ được những con chữ mà ngày trước tôi cho là bất trị. Tôi khoan khoái sử dụng nó như một công cụ để làm công việc yêu thích nhất của tôi, đó là lột tả cho người đọc hình dung ra công việc của người thợ điện, từ đó có cái nhìn công tâm hơn về ngành Điện” – Quân hồ hởi sẻ chia.
Là một nhân viên ngành Điện, Quân thấy công việc của đồng nghiệp mình rất vất vả. Người ngoài ít ai hiểu được, để có dòng điện ổn định không chỉ mồ hôi có khi đổi cả máu và mạng sống; trong khi đó, chỉ một sự cố mất điện khách quan nhỏ thì lại bị soi rất kỹ và lan truyền những thông tin tiêu cực… Điều đó thôi thúc Quân có thêm động lực để chuyển tải công bằng hình ảnh những công nhân áo cam ngày đêm miệt mài vì dòng điện.
Quả thật, có trực tiếp chứng kiến, quan sát về sự cống hiến, xả thân vì dòng điện chất lượng, an toàn, liên tục thông suốt mới thấy được sự cực khổ của người thợ điện. Kể với chúng tôi, Quân vẫn nhớ như in khi tác nghiệp ngay sau bão số 5 năm 2021, nhiều trụ điện bị ngã sâu dưới nước, hình ảnh người công nhân lăn xả dầm mình trong nước để dựng từng trụ điện, kéo từng mét dây đã chạm vào miền cảm xúc sâu thẳm nhất trong Quân.
Mưa bão cực khổ đã đành, thời điểm nắng nóng, các anh cũng chẳng thể sung sướng hơn. Có dịp song hành với các anh, Quân mới hiểu, tại sao các anh lại có làn da sạm nắng, tại sao gia đình các anh luôn thiếu vắng bóng dáng người đàn ông, tại sao vào đêm hôm khuya khoắt chỉ một cú điện thoại là các anh bật dậy đi làm ngay, tại sao hết lần này đến lần khác, các anh lại thất hứa với gia đình… Câu trả lời duy nhất cho tất cả các câu hỏi tại sao đó là vì sự “bình yên” của dòng điện, vì để cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng.
Nhưng để làm công tác truyền thông không phải dễ, càng vô cùng khó khăn đối với anh em kỹ thuật. Không được đào tạo bài bản, không có kiến thức nghiệp vụ nên những người như Quân phải rèn luyện và học tập rất nhiều. Là đồng nghiệp, cũng là cộng tác viên thường xuyên như Quân, anh Thái Thanh Trung (Tổ Quản lý đo đếm – Điện lực Liên Chiểu) tâm sự: “Để làm tốt công việc không chuyên này, tự bản thân phải cố gắng chăm chỉ học hỏi; viết lách là chưa đủ, đó còn là sự quan tâm của Ban lãnh đạo Điện lực Liên Chiểu, đặc biệt là anh Trần Thế Thọ - Giám đốc Điên lực Liên Chiểu luôn tạo điều kiện để anh em được đi tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tăng kiến thức nghiệp vụ. Ngoài ra, với mỗi tin bài được đăng còn có chế độ nhuận bút, có quy định rõ ràng để động viên anh em cầm bút. Tất cả điều đó đã tạo động lực cho những cây bút không chuyên nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao”.
Quân cho biết, thời gian làm việc với Ban biên tập (BBT) của PC Đà Nẵng tuy chưa nhiều nhưng khiến Quân rất cảm kích trước sự nhiệt tình của anh chị trong BBT. Có những khi đã muộn, các anh chị còn cần mẫn ngồi sửa từng dấu chấm, dấu phẩy, chữ viết hoa viết thường cho bài viết của cộng tác viên. Dù ít có dịp gặp các anh chị trong BBT nhưng tình cảm như gắn bó thân thiết bởi có những cuộc điện thoại trao đổi thường xuyên để bài viết của cộng tác viên như Quân được chỉn chu hơn trước khi đến với bạn đọc. Nét bút người thợ điện dần được khắc phục theo thời gian, các tay bút trưởng thành dần lên từ những “cái nôi” như vậy. Theo Quân, bên cạnh thành công của những cây bút không chuyên là cả sự vất vả, cần mẫn của anh chị em BBT, tận tụy làm việc để có những bài viết chất lượng đăng tải trên các ấn phẩm của PC Đà Nẵng nói riêng và ngành Điện nói chung.
Cứ thế, từ bài viết đầu tiên được đăng, rồi tăng dần lên, anh em công nhân điện dần trở thành người làm công tác truyền thông lúc nào không hay và ngòi bút của họ cũng khá lên trông thấy. Ai cũng hào hứng, mong chờ mỗi khi tác phẩm “lên sóng”, nhất là được mọi người đón đọc và nhận những lời chúc mừng của đồng nghiệp thì niềm vui càng nhân lên gấp bội.
Tuy vẫn gặp nhiều khó khăn trong nghiệp vụ vì không chuyên, nhưng những nét bút của những người công nhân điện luôn tràn đầy nhiệt huyết. “Chúng tôi động viên nhau tự học tập kỹ năng viết tin bài, trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, góp phần đưa thông tin ngành Điện nói chung và của PC Đà Nẵng nói riêng đến với công chúng kịp thời, chính xác và tin cậy” – Quân phấn khởi.