Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM thông báo đã nhận được công văn của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) về việc Văn phòng Chính phủ đồng ý cho dự án được chuyển từ hình thức đầu tư BOO (xây dựng, kinh doanh, sở hữu) sang BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao).
Tân Tạo đã được tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Kiên Lương sau một thời gian đối mặt với nguy cơ bị thu hồi dự án.
Như vậy, sau hơn nửa năm đối mặt với nguy cơ bị thu hồi dự án vì chậm triển khai, Tân Tạo đã tìm được lối thoát khi được chuyển sang hình thức BOT. Lãnh đạo tập đoàn Tân Tạo cho biết sắp tới sẽ tiếp tục hoàn tất các thủ tục với các đối tác tài chính về tài trợ vốn cho dự án, ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và hợp đồng bảo lãnh quốc tế. Nếu hoàn thành sớm, công ty có thể bắt tay vào triển khai dự án từ 2015.
Phía Tân Tạo cho biết hiện đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tham gia với Tập đoàn trong dự án Kiên Lương 1, theo hình thức BOT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Tổng sơ đồ phát triển điện lực VI từ năm 2007. Sau một thời gian dài gián đoạn, CTCP Năng lượng Tân Tạo (công ty liên kết của ITA với sở hữu 17% vốn) đã hoàn thành hồ sơ chuyển đổi hình thức đầu tư dự án này từ BOO sang BOT trình tới Bộ Công thương vào đầu tháng 1/2014.
Dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương được cấp phép năm 2008, tổng công suất cả ba giai đoạn là 4.400 - 5.200 MW. Vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 6,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn và vướng mắc trong xin hợp đồng bảo lãnh quốc tế, dự án đã bị chậm tiến độ 5 năm. Bởi vậy, từ giữa năm 2013, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Chính phủ thu hồi dự án. Song, phía Tân Tạo khẳng định muốn tiếp tục theo đổi vì đã đầu tư 240 triệu USD để san lấp mặt bằng, thi công các công trình phụ trợ...
Để giải quyết các vướng mắc, tỉnh Kiên Giang và Bộ Công Thương cho hay Tân Tạo phải chuyển từ hình thức BOO sang BOT thì mới được đàm phán hợp đồng bảo lãnh quốc tế GGU (hợp đồng bảo lãnh toàn bộ của Chính Phủ về phần ngoại tệ để công ty có thể nhập khẩu máy móc thiết bị và than) và hợp đồng mua bán điện PPA.
Theo: VnExpress