Pin mặt trời được lắp trên một trang trại nuôi cá công nghiệp ở huyện Đông Hải, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc Ảnh: CNS
Sản xuất điện mặt trời có một khó khăn lớn là tìm địa điểm đặt các tấm pin quang năng. Trung Quốc đã tìm ra một giải pháp đa năng cho vấn đề này: Tận dụng các ruộng muối ven biển.
Mô hình ruộng muối - điện mặt trời ở Thiên Tân, phía Bắc Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Ông Hannaren Chaogtu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Huadian New Energy cho biết: "Đất đai ở Thiên Tân cực kỳ đắt đỏ. Do đó, lắp pin mặt trời trong ruộng muối là xu hướng phát triển mới nhất".
Theo sau thỏa thuận giữa Công ty Điện lực China Huadian và một công ty muối địa phương, năm 2023, Công ty này lắp đặt xong các tấm pin mặt trời trên phần diện tích 1.266 ha ở ruộng muối Changlu - một trong những trang trại muối ven biển lâu đời nhất của Trung Quốc, biến nơi đây thành nhà máy điện mặt trời trên ruộng muối lớn nhất thế giới. Điện sản xuất tại "nhà máy điện - muối" này đã được nối vào lưới điện Thiên Tân từ tháng 7-2023. Theo kênh truyền hình CGTN, hiện dự án theo đúng lộ trình sản xuất 1,5 tỉ KWh điện mỗi năm, đủ để cung cấp cho khoảng 1,5 triệu căn nhà trong khu vực.
Thử thách lớn nhất của dự án là việc lắp đặt các tấm quang năng trong môi trường nước muối. Bài toán này đã được các trường đại học chung tay hóa giải bằng cách tìm ra những loại vật liệu chống ăn mòn cao. Ngoài ra, còn có những đặc tính kỹ thuật riêng biệt.
Chẳng hạn, theo Thời báo Hoàn Cầu, khoảng cách các dãy pin mặt trời được nâng lên 14 m, gần gấp đôi các nhà máy điện mặt trời bình thường, để có đủ nắng phục vụ việc làm muối. Các tấm pin được đặt nghiêng 17 độ thay vì khoảng 40 độ như thông thường, để cung cấp lượng nắng tối đa cho bề mặt nước. Các tấm pin ở ruộng muối đúng nghĩa "hai mặt" với mục đích vừa hấp thụ ánh nắng trực tiếp từ phía trên vừa phản chiếu từ mặt nước bên dưới, nhờ đó tăng hiệu quả sản xuất điện thêm 5%-7%.
Ông Chaogtu cho biết, động lực đằng sau dự án này là giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Nếu hoạt động hết công suất, nhà máy trên có thể làm giảm 500.000 tấn than sử dụng mỗi năm và giảm 1,25 triệu tấn CO2 phát thải.
Công ty China Huadian cũng bảo đảm môi trường ruộng muối không bị ảnh hưởng, thậm chí còn được tận dụng để nuôi thêm tôm. Trước hiệu quả này, China Huadian đang tích cực nhân rộng mô hình đa năng điện mặt trời - muối - thủy hải sản, theo Đài Truyền hình quốc gia CCTV.
Ông LinBoqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng thuộc Trường ĐH Hạ Môn, nhận xét xu hướng tích hợp để tận dụng tối đa đất đai này sẽ tạo thêm lợi nhuận cho các bên tham gia. Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết sản lượng hằng năm của một trại tôm ở TP Tân Châu, tỉnh Sơn Đông đã tăng lên sau khi một nhà máy điện mặt trời được lắp đặt kết hợp ở đây. Nguyên nhân là nhờ các tấm pin che bớt bề mặt hồ nuôi tôm, giúp nhiệt độ nước giảm 1 - 2 độ C.
Cách tận dụng được sáng tạo dựa theo điều kiện riêng ở mỗi địa phương. Tại khu tự trị Nội Mông ở phía Bắc Trung Quốc, các tấm pin được lắp đặt cao hơn 1,5 m so với thông thường để bên dưới nuôi thả cừu. Còn tại miền Nam nước này, ngoài phía trên hồ nuôi cá, người ta còn lắp các tấm quang năng ngoài ruộng lúa.
Link gốc