Vận hành các hồ thủy điện

Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước

Thứ sáu, 7/9/2018 | 14:51 GMT+7
Hệ thống đập và hồ chứa lớn trong nước về cơ bản vẫn được đảm bảo an toàn trước các diễn biến bất thường của thời tiết. Đây là những thông tin được các cơ quan chức năng đưa ra tại buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quản lý , đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức trong chiều 6/9 tại Hà Nội.

Đập thủy điện Hòa Bình
 
Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết:  Để đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện trong những năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, chỉ thị liên quan đến quản lý an toàn đập, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện chỉ đạo các cơ đơn vị thực hiện.
 
Còn từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 1893/BCT-ATMT ngày 14/3/2018 chỉ đạo các chủ đập thực hiện công tác quản lý an toàn đập thủy điện, cập nhật thông tin thủy văn vận hành hồ chứa thủy điện và Quyết định số 1317/QĐ-BCT ngày 19/4/ 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc kiện toàn Ban Chỉ huy, Văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương và Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 9/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Theo đó cơ cấu tổ chức được xuyên suốt từ Bộ Công Thương tới các Tập đoàn, Tổng công ty và thống nhất các nội dung phối hợp, quy chế làm việc và trực ban đảm bảo xuyên suốt trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão năm 2018.
 
Văn phòng Thường trực tiếp tục thường trực 24/24 về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hằng ngày, Văn phòng Thường trực có báo cáo về vận hành các hồ chứa thủy điện gửi các cơ quan liên quan như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12 hằng năm.
Đối với các công trình thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, hằng năm trước mùa mưa lũ, Hội đồng Khoa học Nhà nước về an toàn đập đi kiểm tra tại hiện trường và họp để đánh giá mức độ an toàn, độ thấm cho phép của đập để khuyến cáo chủ đập, Bộ Công Thương và Chính phủ nếu phát hiện các bất thường. Đối với các hồ đập khác Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh sẽ đôn đốc kiểm tra và yêu cầu các chủ đập thực hiện các yêu cầu theo quy định về an toàn đập.
 
Ông Phạm Trọng Thực, cho biết thêm: Thường thì các đập của nhà máy thủy điện được thiết kế và xây dựng với hệ số an toàn cao và có hệ số dự phòng lớn. Ví dụ, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thông số về khả năng chống lũ lớn lên tới 60.000 m3/giây, tức con lũ không bao giờ có. Trong 120 năm quan trắc, chúng ta chỉ ghi nhận một con lũ kỷ lục là 22.600 m3/giây vào năm 1996. Thủy điện Hòa Bình có 18 cửa xả, bao gồm 6 cửa xả mặt và 12 cửa xả đáy. Năm 1996 xảy ra lũ lớn trên sông Đà thì thủy điện Hòa Bình chỉ mở 7 cửa. Còn trận lũ tháng 10/2017 dù rất đột ngột nhưng thủy điện Hòa Bình cũng chỉ mở 8 cửa và chỉ mở trong 1 ngày đêm rồi lại đóng lại ngay để trữ nước phục vụ tưới tiêu mà không có trục trặc gì. Điều này có nghĩa là hệ số dự phòng còn rất lớn.
 
Ông Phạm Trọng Thực cho biết thêm: Không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng là cắt giảm lũ. Chỉ những hồ nào trong thiết kế ban đầu có cắt giảm lũ, có dung tích phòng lũ hồ đó mới có chức năng cắt giảm lũ trong điều kiện lũ lụt. Một số hồ lớn ở miền Bắc và Đông Nam Bộ có quy trình như vậy. Một số hồ đập ở miền Trung do địa hình sông suối dốc, ngắn, chạy thẳng ra biển nên chủ yếu những nhà máy đó tận dụng chiều cao của nước để lấy dung tích phát điện là chính chứ không phải dung tích phòng lũ.
 
Trong thiết kế của các nhà máy này, với nhà máy không có chức năng chống lũ thì toàn bộ lũ tự nhiên được chảy qua đập tràn hoặc những van cung, tức là van cung chắn nước để giữ lại dung tích hữu ích khi phát điện, nhưng khi có lũ, lũ lại tràn qua van đó để đi xuống hạ du. Khi có mưa lũ lớn, toàn bộ lũ tự nhiên thoát trên mặt của sông trước khi có đập thủy điện này bao nhiêu thì trả về dòng sông bấy nhiêu. Một số hồ đập ở miền Trung như một số thông tin nói rằng khi có lũ lớn, mưa lớn, thủy điện xả lũ lại làm lũ lớn hơn. Theo tôi đó là thông tin không chính xác cần giải thích cho bà con biết thêm về nguyên lý thiết kế của các nhà máy thủy điện này.
 
Về quy trình vận hành, Nghị định của Chính phủ đã phân chia rất rõ: Lưu vực sông liên hồ do Chính phủ phê duyệt. Đối với hồ, đập có dung tích 1 triệu m3 trở lên, công suất 30 MW trở lên do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình ven hồ. Những hồ đập nhỏ hơn 1 triệu và 30 MW thì do các Sở Công Thương thực hiện.
Trong quá trình điều hành xả lũ hoặc điều tiết về lũ, các vấn đề liên quan đến đập thủy điện trong mùa lũ thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc đóng hay mở, xả bao nhiêu, lưu lượng như thế nào. Bộ NN&PTNT quyết định điều chỉnh liên hồ chứa như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Với những quy trình tương đối chặt chẽ như vậy, trong quá trình làm việc và thông tin giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTT và các chủ hồ thì tôi tin rằng việc xả lũ của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn và thực hiện tốt được mục tiêu các nhà máy thủy điện đặt ra.
Kim Thái/Icon.com.vn