Tin thế giới

Tập đoàn dầu khí Indonesia đầu tư 6,2 tỷ USD cho năng lượng sạch

Thứ sáu, 28/6/2024 | 16:12 GMT+7
Tập đoàn dầu khí quốc gia Pertamina của Indonesia đang lên kế hoạch đầu tư 6,2 tỷ USD vào các doanh nghiệp công nghệ và năng lượng sạch từ hydro đến pin xe điện trong 5 năm tới.

Một cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Pertamina. Ảnh: AFP/TTXVN

Các khoản đầu tư theo kế hoạch sẽ được thực hiện thông qua công ty con là công ty năng lượng mới và tái tạo Pertamina (NRE).

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Giám đốc điều hành NRE John Anis, cho biết: “Chiến lược tăng trưởng kép của Pertamina là tăng cường hoạt động kinh doanh dầu khí hiện tại và phát triển hoạt động kinh doanh carbon thấp như động lực tăng trưởng bền vững trong tương lai”.

Giám đốc John Anis cho biết thêm, theo kế hoạch, một phần của khoản đầu tư sẽ được sử dụng để mở rộng công suất phát điện carbon thấp của Pertamina NRE lên 6 gigawatt vào năm 2029 từ mức 2,6 gigawatt hiện tại được tạo ra từ khí đốt tự nhiên, địa nhiệt, năng lượng Mặt Trời và khí sinh học. Hoạt động này cũng bao gồm việc phát triển hydro sạch, ethanol sinh học, pin và hệ sinh thái xe điện.

Trước đó, Pertamina đã công bố quan hệ đối tác với hãng sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota Motor để phát triển hệ sinh thái nhiên liệu hydro tại Indonesia và hợp tác riêng với Công ty điện Tokyo Electric Power Co. để xây dựng một cơ sở hydro địa nhiệt trên đảo Sulawesi.

NRE đặt mục tiêu sản xuất 7.000 tấn hydro sạch hằng năm vào năm 2029, hướng đến cả thị trường trong nước và khu vực, nơi nhu cầu về nhiên liệu sạch dự kiến sẽ tăng trong những năm tới.

Việc thúc đẩy sản xuất và sử dụng nhiên liệu bioethanol (thường được pha trộn với xăng theo một tỷ lệ nhất định) là một phần trong nỗ lực chung của Chính phủ Indonesia nhằm phi carbon hóa ngành vận tải. Công ty đã bắt đầu bán xăng với hỗn hợp bioethanol 5% có nguồn gốc từ mía và đang xúc tiến việc tăng tỷ lệ bioethanol lên 10%.

Tập đoàn Pertamina là một trong những "cánh tay đắc lực" của Chính phủ Indonesia trong việc thực hiện tham vọng của nước này nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn, trong đó trước hết đến năm 2030 cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành điện xuống 250 triệu tấn, đồng thời tăng tỷ lệ sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo lên 44% theo tuyên bố Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Link gốc

 

Theo: BNews