Tập trung hoàn thành, đóng điện các dự án truyền tải điện trọng điểm năm 2022

Thứ bảy, 5/11/2022 | 15:46 GMT+7
Mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong công tác giải phóng mặt bằng và giá cả vật liệu tăng cao, song Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã nỗ lực hoàn thành, đóng điện nhiều công trình truyền tải điện quan trọng, kịp thời giải toả công suất các dự án năng lượng tái tạo, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống điện. 
 

Ảnh minh họa.
 
Dự án Đường dây 500kV mạch 3 (đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) là một ví dụ cụ thể. Sau gần 4 năm triển khai, công trình này đã được đóng điện vào ngày 17/8/2022, cũng là dấu mốc hoàn thành kết nối toàn bộ dự án Đường dây 500kV mạch 3 của đất nước. 
 
PV Nguyên Long phỏng vấn ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền tải Điện Quốc gia về các giải pháp doanh nghiệp tập trung để hoàn thành các dự án trọng điểm của năm 2022 này.
 
PV: Thưa ông, xin ông cho biết việc hoàn thành toàn bộ dự án đường dây 500kV mạch 3 có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống điện quốc gia?
 
Ông Phạm Lê Phú: Như chúng ta đã biết, đường dây 500kV là xương sống của hệ thống điện quốc gia. Chúng ta đã có hai đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 rồi nhưng trước khi đường dây 500kV mạch 3 vào thì hai đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 đã luôn luôn phải vận hành với tình trạng đầy tải và quá tải. Đến thời điểm đầu năm 2020 thì hai đường dây này đã không đáp ứng được yêu cầu truyền tải công suất điện năng giữa hai miền, do đó, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) được Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao thực hiện đường dây 500kV mạch 3 và vừa đóng điện vào trung tuần tháng 8. 
 
Đường dây 500kV mạch 3 với hai mạch của đường dây sẽ tăng cường truyền tải công suất Bắc - Nam. Đặc biệt trong giai đoạn vừa rồi năng lượng tái tạo phát triển rất lớn ở khu vực Nam Trung bộ, thì đường dây 500kV sẽ giúp giải tỏa công suất của các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Nam Trung Bộ và cung cấp cho miền Bắc.
 
PV: Thưa ông, qua thực tế thì giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn của các dự án lưới điện. Vậy những khó khăn nổi cộm trong quá trình triển khai các dự án truyền tải điện nói chung và đường dây 500kV mạch 3 là gì?
 
Ông Phạm Lê Phú: Trong giai đoạn vừa rồi, việc đầu tư phát triển nói chung cho nền kinh tế rất là lớn, đặc biệt là hệ thống điện quốc gia. Đường dây 500kV mạch 3 (đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) được khởi công từ cuối năm 2018 với chiều dài là 742 km đi qua 9 tỉnh, thành phố, và hầu hết là đi trên các khu vực có địa hình chật hẹp và núi cao từ Hà Tĩnh vào đến Pleiku 2.
 
Khó khăn nổi cộm đầu tiên trong đầu tư phát triển hạ tầng thì công tác giải phóng mặt bằng là công tác khó khăn nhất. Tiếp theo nữa là trong giai đoạn thi công đường dây 500kV mạch 3 thì có giai đoạn đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2021 nên việc huy động lực lượng cũng như giá cả nguyên nhiên, vật liệu tăng rất cao. Ngoài ra, khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Ngãi là khu vực thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão lớn nhất của nước ta.
 
PV: Khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn của nhiều bộ, ngành, nhiều công trình dự án trọng điểm. Thực tế đối với những dự án truyền tải điện sử dụng nguồn vốn ODA thì sao, thưa ông? 
 
Ông Phạm Lê Phú: EVNNPT có lẽ là một trong những đơn vị nhận được nguồn vốn ODA lớn nhất trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hiện tại chúng tôi đang triển khai các dự án sử dụng vốn ODA của những hiệp định cách đây khoảng 3-4 năm trở về trước và đến thời điểm này thì những dự án sử dụng vốn ODA của chúng tôi gần như là ở giai đoạn cuối cùng để hoàn thành và đóng điện. 
 
Trong thời gian qua, các dự án ODA đã hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều về nguồn vốn, với giá vốn tương đối hợp lý và rẻ hơn so với những nguồn vốn khác nên chúng tôi cũng tận dụng nguồn vốn ODA này. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua thì chúng tôi cũng gặp những khó khăn từ việc thực hiện nguồn vốn ODA. Thứ nhất là về công tác giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ dự án. Tiếp nữa là trong giai đoạn Covid-19 vừa qua thì giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao rất nhiều nên đã ảnh hưởng đến những hợp đồng sử dụng vốn ODA, làm cho một số nhà thầu mà do giải phóng mặt bằng chậm thì có thể họ đã xin rút không thực hiện hợp đồng và chúng tôi phải thực hiện đấu thầu lại những hợp đồng này. Những thủ tục liên quan đến công tác điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, liên quan đến tăng vốn đầu tư do nguyên nhiên vật liệu và vật tư thiết bị nhập ngoại tăng cao… dẫn đến những thủ tục liên quan đến công tác phê duyệt, phê duyệt lại vốn ODA cũng khá là khó khăn và phức tạp. Đặc biệt khi cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ có thay đổi so với trước đây - thời điểm mà chúng tôi ký Hiệp định ODA đến bây giờ đã thay đổi - thì các thủ tục phức tạp hơn, việc phê duyệt cũng kéo dài thời gian hơn. 
 
Một điểm nữa là trong thời gian vừa qua thì một số dự án ODA dự kiến cho chúng tôi vay trong giai đoạn đến năm 2025 thì cũng khó khăn hơn bởi vì các quy định về công tác ODA cũng như vốn đầu tư công cũng chặt chẽ hơn, cho nên trong thời gian 1-2 năm trở lại đây chúng tôi cũng chưa ký được một dự án nào mà sử dụng vốn ODA. Hiện tại chúng tôi cũng đang làm thủ tục để tiếp tục vay vốn ODA.
 
PV: Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, vậy đâu là những giải pháp EVNNPT tập trung nhằm đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022, thưa ông? 
 
Ông Phạm Lê Phú: Đầu tiên nói về cụm các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 thì đến thời điểm này chúng tôi rất tin tưởng rằng sẽ đảm bảo được tiến độ để đồng bộ với việc hoàn thành của nhà máy Vân Phong 1, thậm chí một số dự án như trạm biến áp 500kV Vân Phong và đường dây 220kV đấu nối có thể sẽ về đích trước tiến độ, trước kế hoạch giao; Đường dây 500kV từ Vân Phong về đến trạm 500kV Thuận Nam chúng tôi cũng sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Đây là nỗ lực rất lớn của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như sự ủng hộ rất chặt chẽ của 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
 
Đối với các dự án đầu tư khác của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia nói chung thì đến thời điểm này tổng khối lượng thực hiện chúng tôi mới chỉ đạt khoảng trên 50% so với kế hoạch đề ra bởi năm nay có lẽ là năm khó khăn nhất đối với công tác đầu tư xây dựng của EVNNPT. 
 
Nguyên nhân đầu tiên vẫn là về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và nó càng ngày càng khó khăn hơn.
 
Một nguyên nhân tiếp theo nữa là trong năm nay thì giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đặc biệt là tác động từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá vật tư thiết bị lên rất cao. Do đó hầu hết tất cả gói thầu đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị nhập ngoại chúng tôi đều phải đấu thầu lại, có những gói thầu phải đấu thầu lại đến lần thứ 3 nhưng đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa ký được hợp đồng bởi vì giá tăng quá cao so với dự toán, so với tổng mức đầu tư mà chúng tôi đã lập, vì thế nên việc triển khai đấu thầu và ký hợp đồng là rất khó khăn.
 
Với những khó khăn như vậy thì chúng tôi cũng đang đặt ra những nhiệm vụ để hoàn thành tốt nhất từ kế hoạch của năm 2022. 
 
Thứ nhất là đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, yêu cầu lãnh đạo Giám đốc các đơn vị quản lý dự án phải thường xuyên liên tục bám địa phương từ xã, huyện đến tỉnh để giải tháo gỡ từng bước những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những dự án mà chúng tôi cần phải đóng điện đảm bảo cấp điện trong năm 2022-2023. 
 
Đối với công tác đấu thầu trong thời gian khó khăn do giá cả tăng thì chúng tôi cũng có yêu cầu các Ban quản lý dự án phải làm việc rất chặt chẽ với nhà thầu, tư vấn để làm sao đưa ra được dự toán, phân tích kỹ việc tăng, tính toán hợp lý nhất để từ nay đến cuối năm có thể ký được hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị, cung cấp máy biến áp nhập ngoại để hoàn thành sớm nhất, đảm bảo cho việc cung cấp điện từ năm 2023 trở về sau.
 
Một điểm nữa là chúng tôi yêu cầu tất cả cán bộ công nhân viên, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên làm công tác đầu tư xây dựng thì phải đoàn kết, phối hợp với nhau, phối hợp với các đơn vị nhà thầu, đơn vị tư vấn để đảm bảo được tiến độ của từng dự án, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu đấu thầu cũng như khâu thực hiện các dự án đang thực hiện trên công trường.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Nguyên Long