Hệ thống tua bin gió tại Tasmania.
Tasmania hiện đạt được mục tiêu là hoàn toàn tự cung tự cấp về năng lượng tái tạo, thậm chí trước thời hạn hai năm so với mục tiêu đề ra của bang này.
Cụ thể, kỳ tích trên chính thức đạt được vào cuối tháng 11 vừa qua sau khi tua bin gió thứ 29 trong tổng số số 31 tua bin gió được đặt tại cảng Granville, trên bờ biển phía tây của hòn đảo, được đưa vào hoạt động.
Trong khi đó, nếu 2 tua bin gió cuối cùng được đưa vào vận hành sẽ tạo ra tổng cộng 10.741GWh công suất phát điện tái tạo - cao hơn so với nhu cầu năng lượng hàng năm của Tasmania là 10.500GWh.
Guy Barnett, người đứng đầu ngành năng lượng của Tasmania nói: “Thành công đó nhờ vào việc nhận diện tiềm năng năng lượng tái tạo của Tasmania và thông qua các chính sách năng lượng hàng đầu làm cho Tasmania trở nên hấp dẫn đối với đầu tư vào lĩnh vực này, qua đó đồng thời tạo ra việc làm trên toàn tiểu bang”.
Vào năm 1895, Launceston của Tasmania trở thành thành phố đầu tiên sản xuất và cung cấp điện thắp sáng tại Australia từ hệ thống thủy điện khi nhà máy Duck Reach chính thức đi vào hoạt động.
Trên đà phát triển chính sách năng lượng tái tạo hiện nay, Tasmania đang xem xét việc tăng gấp đôi sản lượng năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu hàng đầu thế giới là sản xuất 200% nhu cầu năng lượng tái tại vào năm 2040.
Tasmania cũng đang tham gia các dự án nghiên cứu năng lượng xanh để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai năng lượng xanh trên toàn Australia.
Bởi thực tế, dù sản lượng điện tái tạo của Australia tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, nhưng trong năm 2018 và 2019, các nguồn năng lượng xanh chỉ chiếm 6% tổng lượng tiêu thụ điện năng tại Australia.
Năm ngoái, Viện nghiên cứu Australia cho biết, Australia là quốc gia phát thải khí thải nhiều thứ 5 trên thế giới. Khí thải CO2 của nước này có thể đạt mức cao nhất vào năm nay trước khi bắt đầu chu trình giảm xuống từ năm 2022 nhờ triển khai các chương trình sử dụng năng lượng gió và mặt trời.
Australia hiện là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu khi đối mặt với hiện tượng thời tiết khô hạn và gánh chịu nhiều thiệt hại từ thảm họa cháy rừng mỗi năm.
Do đó, không chỉ riêng Tasmania, nhiều tiểu bang tại Australia tung ra các kế hoạch năng lượng xanh.
New South Wales vừa thông qua luật tạo thêm 12GW năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới. Bang Victoria cũng thông báo họ đang đầu tư 1,6 tỷ AUD (tương đương 1,2 tỷ USD) vào các trung tâm năng lượng tái tạo trên toàn bang, trong khi Queensland chính thức hóa kế hoạch đầu tư 500 triệu AUD (372 triệu USD) vào sản xuất năng lượng tái tạo.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang tìm cách giảm lượng khí thải, đáp ứng các cam kết về biến đổi khí hậu trong thỏa thuận Paris, Tasmiania là một trong những hình mẫu để giảm nhiệt độ toàn cầu cầu dưới 2 độ C như chúng ta mong đợi.