Tiết kiệm điện

Tắt các thiết bị điện không cần thiết để tiết kiệm điện

Thứ năm, 5/12/2024 | 08:55 GMT+7
Tắt thiết bị điện khi không sử dụng, tận dụng ánh sáng tự nhiên... là những việc làm tưởng chừng rất đơn giản, nhưng nếu được duy trì thường xuyên sẽ góp phần tiết kiệm điện năng, giảm chi phí sinh hoạt; bảo vệ nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng không chỉ giúp tiết kiệm tiền điện cho gia đình mà còn thể hiện ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Trà Hương

Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc chỉ đạo Điện lực các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện; phát động phong trào thi đua “Gia đình tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm điện trong công sở”… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng thói quen sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cho người dân thông qua các cơ quan truyền thông, các nền tảng mạng xã hội, phát tờ rơi...

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương cùng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, phong trào tiết kiệm điện được phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng. Nhiều giải pháp sử dụng điện tiết kiệm được người dân áp dụng hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong thói quen sử dụng điện hằng ngày.

Trước đây, do nhu cầu sử dụng điện cao nên hàng tháng cửa hàng trà sữa One tea ở đường Nguyễn Viết Xuân, phường Đống Đa (Vĩnh Yên) phải chi trả từ 6 - 7 triệu đồng tiền điện.

Chị Trần Thị Tuyết, chủ cửa hàng trà sữa One tea cho biết: “Để phục vụ công việc pha chế và bảo quản thực phẩm được tươi, mát, các thiết bị làm mát như: Tủ lạnh, tủ đông phải hoạt động liên tục. Bên cạnh đó các loại máy pha chế có công suất lớn nên cũng tiêu tốn lượng điện năng lớn. Đặc biệt vào những tháng nắng nóng cao điểm, lượng tiêu thụ điện của các thiết bị điều hòa, quạt mát tăng cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của cửa hàng. Được nhân viên điện lực tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, cửa hàng đã chủ động thay thế, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng điều hòa ở mức nhiệt 26 - 28 độ C và bật thêm quạt điện để lưu thông không khí. Nếu không có khách cửa hàng sẽ tắt 60% lượng đèn chiếu sáng và mở cửa để sử dụng nguồn gió tự nhiên. Nhờ vậy, mỗi tháng cửa hàng tiết kiệm được từ 400 - 600 nghìn đồng tiền điện”.

Anh Phùng Quốc Việt ở thôn 3, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) lại có cách tiết kiệm điện từ việc thiết kế, bố trí hệ thống điện hợp lý theo nhu cầu sử dụng của gia đình. Anh Việt chia sẻ: “Ngay từ khi xây nhà, tôi đã yêu cầu bên thiết kế thi công, bố trí đường dây điện hợp lý, sử dụng aptomat cho từng phòng, khu vực trong gia đình. Ví dụ như trong trường hợp không sử dụng phòng bếp, tôi sẽ ngắt nguồn điện ở riêng khu vực này. Bên cạnh đó, đối với các thiết bị tivi, máy tính… khi không sử dụng, gia đình tôi sẽ rút phích cắm, ngắt hoàn toàn nguồn điện, tránh tình trạng tiêu thụ điện năng ở chế độ chờ. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn phòng ngừa tình trạng chập điện, gây ra cháy nổ, mất an toàn khu dân cư”.

Ngoài việc nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm điện của các cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì hiện nay việc giáo dục học sinh sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng được các trường học thực hiện để các em hiểu rõ nguồn gốc, vai trò quan trọng của điện năng đối với đời sống.

Em Nguyễn Ngọc Phương Linh, học sinh lớp 7A1 Trường THCS Tô Hiệu (Vĩnh Yên) cho biết: “Qua những tiết học Vật lý em được biết phần lớn điện năng chúng ta sử dụng được sản xuất từ nhiều nguồn năng lượng khác nhau như đốt cháy than đá, dầu mỏ, khí đốt; sử dụng năng lượng từ dòng nước để quay tua-bin, sản xuất điện... Đây là những nguồn năng lượng không tái tạo, có nguy cơ cạn kiệt. Chúng em còn được thầy, cô giáo hướng dẫn cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả khi ở nhà và trường học. Mặc dù chỉ là hành động rất nhỏ như tắt công tắc đèn, ngắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng đã có thể tiết kiệm vài kWh mỗi ngày”.

Thực tế cho thấy, ý thức tiết kiệm điện của người dân đã có nhiều chuyển biến, tạo thành thói quen trong việc lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện hằng ngày như tuân thủ việc bật, tắt các thiết bị điện tử, điện lạnh khi ra khỏi phòng; hạn chế sử dụng thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng vào giờ cao điểm; lắp đặt và sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời để giảm chi phí tiền điện trong sản xuất và sinh hoạt...

Để nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng điện của người dân, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với các địa phương, các hội, đoàn thể đẩy mạnh các phong trào, mô hình tiết kiệm điện đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Khuyến nghị đến toàn thể cộng đồng, doanh nghiệp, người dân tắt các thiết bị điện không cần thiết; tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên; thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng chung hợp lý, giảm ít nhất 50% số lượng điện năng dùng cho chiếu sáng chung ở hành lang, khu vực sân vườn, hàng rào...

Hướng dẫn người dân, khách hàng truy cập ứng dụng EVNNPC.CSKH để tra cứu, chủ động điều chỉnh lượng điện tiêu thụ, tránh để hóa đơn tiền điện tăng cao. Qua đó, góp phần vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

Link gốc

Theo: Báo Vĩnh Phúc