Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến đến năm 2035 sẽ đóng cửa toàn bộ bảy nhà máy điện hạt nhân để sử dụng điện từ năng lượng tái tạo.
Theo Thủ tướng Pedro Sanchez, kế hoạch cải tổ hệ thống cung cấp năng lượng tại Tây Ban Nha được đề ra vào năm 2018, với mục tiêu 40% lượng điện được sản xuất ra đến từ nhiên liệu tái tạo.
Kế hoạch này sẽ tiêu tốn một khoản đầu tư tầm 235 tỉ Euro, tương đương 266 tỉ USD, nhằm phục vụ cho mục đích lớn hơn chính là chiến đấu chống biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Năng lượng Ribera cho biết chính phủ sẽ sớm đệ trình bản dự thảo chống biến đổi khí hậu lên Quốc hội vào ngày 22-2.
Theo bản dự thảo được soạn vào năm ngoái, chính phủ Tây Ban Nha dự định cấm bán xăng, dầu diesel và xe hybrid (thường được gọi là xe lai hay xe lai điện, là loại xe sử dụng hai nguồn động lực: động cơ đốt trong và động cơ điện).
Đồng thời khuyến khích phát triển khả năng sản xuất năng lượng tái tạo vào khoảng 3.000 megawatt mỗi nămm, từ trang trại gió và nhà máy năng lượng mặt trời.
Giảm dần năng lượng điện hạt nhân, vốn chiếm hơn 20% lượng điện tại nước này là một chiến dịch cam kết của Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa (PSOE) do Thủ tướng Pedro Sanchez đứng đầu, thay thế ông Mariano Rajoy bị Nghị viện Tây Ban Nha bỏ phiếu bất tín nhiệm vào năm 2018.
Các nhà máy điện hạt nhân của Tây Ban Nha bắt đầu hoạt động vào giai đoạn 1983-1988, thuộc sở hữu của các công ty Iberdrola, công ty Ý Endesa, Naturgy và EDP từ Bồ Đào Nha.
Theo: Tuổi Trẻ