Tin trong nước

Tháng 7 trên công trình Thuỷ điện Sơn La: Tự hào kỹ sư Việt

Thứ năm, 19/7/2007 | 00:00 GMT+7

Nếu như xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình chúng ta cần tới cả nghìn chuyên gia nước ngoài thì tại Sơn La con số này chỉ vọn vẹn 15 người. Nhìn vào đây để thấy trình độ của công nhân, kỹ sư người Việt đã có bước trưởng thành rất lớn.

Hơn 3 tháng trước lên Sơn La, những vạt đồi còn trơ trọi đất đá. Trở lại lần này tôi bất ngờ vì cả một dải mầu xanh ngút ngàn của ngô. Bà con mừng lắm vì năm nay ngô được mùa, được giá. Một niềm vui nữa là công trình Nhà máy thuỷ điện Sơn La đang được gấp rút thi công. Khi hoàn thành; công  trình thủy điện lớn nhất cả nước mỗi năm sẽ cung cấp hơn 10 tỷ kWh.

Làm việc với đoàn công tác'' của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng dẫn đầu lên thăm công trình nhà máy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Vũ Đức Thìn cho biết, các hạng mục chính của công trình đều đạt tiến độ đề ra. Các tuyến giao thông trong và ngoài công trường đã được hoàn thành. trong đó có 3 cầu qua sông Đà. Xây dựng đảm bảo chỗ ở cho 10.000 cán bộ, công nhân, kỹ sư. Hệ thống đê quai đã hoàn thành, đảm bào chống lũ cho công trình, tạo mặt bằng thi công ổn định đến năm 2008. Đối với đập dâng, đập tràn và nhà máy chính, cũng đã hoàn thành đào hố móng. Tuy nhiên, để đảm bảo phát điện tổ máy số 1 vào cuối 2010 và hoàn thành công trình năm 2012, thì công việc những năm tới mới thực sự vào cao điểm. Khối lượng thi công đổ bêtông gần 18 triệu m3/năm, lắp đặt thiết bị công nghệ gần 25 nghìn tấn/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm công trường, anh Thìn bày tỏ, điều tự hào nhất là người Việt Nam chúng ta đã thực sự làm chủ công trình. Khi làm Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, luôn có mặt trên công trường là 900 chuyên gia, thời kỳ cao điểm là 1.500 chuyên gia "cầm tay chỉ việc". Hầu như mỗi tổ, đội thi công đều phải có chuyên gia nước ngoài giúp đỡ. Thế nhưng, tại công trình thủy điện Sơn La, hiện trên công trường với hơn 5.000 công nhân, kỹ sư đang làm việc thì chỉ cần 15 chuyên gia nước ngoài, bao gồm cả tư vấn, thiết kế, giám sát. Đội ngũ chuyên gia cũng chỉ làm việc theo hợp đồng thời điểm.

Ai đã lên Hòa Bình thấy sự vĩ đại của công trình thủy điện Hòa Bình, thì còn bất ngờ hơn khi đến Sơn La. Đối với chúng tôi thì bất ngờ nhất là điều hành một công trình lớn nhưng đây là những con người với vóc dáng thấp, nhỏ. Cả trưởng ban Thìn và Phó ban Nam đều thấp nhỏ, nhưng trình độ của họ thì không thấp chút nào. Trao đổi với chúng tôi trên công trường; kỹ sư Phạm Minh Duân (Cty Sông Đà 5) cho biết, thi công các tổ máy chính đều là các kỹ sư Việt Nam. Trong đó từ tổ máy số 1 - 3 là Cty Sông Đà 5, từ tổ máy 4 - 6 là Cty Sông Đà 7. Phần đập dâng do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGL) đảm nhiệm, còn dốc nước đập tràn là TCty Xây dựng Trường Sơn thi công.

Phó Tổng giám đốc Vũ Đức Thìn cho biết, trong 6 tháng đầu  năm 2007, phần chậm tiến độ duy nhất là dốc nước đập tràn do chưa thống nhất giữa việc dốc  nước đập tràn làm loe hay thẳng. Nhưng, đáng mừng là công tác di dân đang được triển khai tốt. Không phải công trình chờ di dân, giải tỏa. Mà ngược lại công trình nhà máy đang đẩy nhanh tiến độ để đuổi kịp công tác di dân. Vậy nhưng, công tác di dân tới đây còn rất bề bộn. Di dân đã khổ nhưng làm sao để đồng bào có cuộc sống ổn định, tốt hơn nơi cũ còn khó bội. Đây cũng là vấn đề lãnh đạo Bộ NN-PTNT rất trăn trở khi làm việc với BQL dự án và lãnh đạo chính quyền địa phương. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng bày tỏ, thực tế ở Hòa Bình còn đó. Mấy chục năm rồi mà một số ít đồng bào vẫn chưa an cư. Đây là bài học quý nhưng cũng hết sức đắt giá mà chúng ta phải rút kinh nghiệm tại Sơn La. Vì nguồn điện quốc gia, đồng bào đã chấp nhận thiệt thòi; chuyển từ nơi đất, nước tốt đến nơi khó khăn hơn. Do vậy, các chính sách về phát triển sản xuất phải được triển khai đồng bộ, đảm bảo cho người dân được hưởng lợi lâu dài.

Chúng tôi tới thăm khu tái định cư tại bản Noọng Luông, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. 40  hộ với 182 khẩu từ bản Hé, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai đã di dời đến đây từ cuối tháng 11/2006. Chị Lũ Thị Như cho biết, cuộc sống gia đình đã ổn định bởi vụ này 1,2 ha ngô sắp cho thu hoạch. Mỗi hộ cũng được khuyến nông hỗ trợ dựng giàn trồng gấc. Nhìn những mái nhà sàn lấp ló giữa vạt đồi bạt ngàn ngô, những giàn gấc đều tăm tấp trước nhà, chúng tôi tin cuộc sống của đồng bào rồi sẽ ổn định, khấm khá...

Theo Nông Nghiệp