Tin trong nước

Theo chân Trạm 110kV thí nghiệm định kỳ

Thứ ba, 7/7/2020 | 09:33 GMT+7
Có hẹn từ trước, ba giờ sáng tôi theo chân chị Lê Ngọc Ánh (PC Hà Tĩnh) để đi tới TBA 110kV Kỳ Anh - nơi sẽ tiến hành cắt điện làm thí nghiệm định kỳ. 

Công tác thí nghiệm định kỳ TBA 110kV Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
 
Chị Ánh cho biết:“Thiết bị cũng như con người vậy, đến thời kỳ phải thí nghiệm, kiểm tra, bảo dưỡng nhằm phát hiện sai sót ngăn chặn kịp thời những sự cố xảy ra. Việc thí nghiệm định kỳ thiết bị cũng là biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện tình trạng kỹ thuật bên trong của các thiết bị đang vận hành ở TBA. Qua đó, đơn vị QLVH có biện pháp sữa chữa hoặc thay thế, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện”.
 
Đường xá vắng tanh, thỉnh thoảng những chiếc xe đường dài vụt trong màn đêm mất hút, trong khoảng không gian ấy kịp nhìn thấy những bóng áo cam ngành Điện. Theo chị Ánh, mỗi lần trạm thí nghiệm thì tất cả các bộ phận của ngành Điện đều phải căng mình hết sức để làm việc, tranh thủ xử lý những tồn tại có thể gây ra sự cố về điện. Qua ánh đèn xe lờ mờ, chiếu sáng túi đồ lềnh kềnh guốc trèo, sứ…tôi biết đó là những công nhân trên tuyến! Vị trí cột ở xa, các anh cũng tranh thủ đi sớm, sẵn sàng cho một ngày làm việc vất vả.
 
 
Đội công tác của Công ty dịch vụ Điện lực miền Bắc đang tiến hành công việc tại TBA 110kV Kỳ Anh.
 
Khi chúng tôi đến nơi, TBA 110kV có rất nhiều người. Trái ngược với giấc ngủ bình yên ngoài kia, ở đây mọi người đang nhộn nhịp cho công việc sắp bắt đầu. Chị Ánh giải thích thêm: nhân lực trạm bình thường chỉ có năm người nhưng hôm nay “đông vui” như vậy vì có nhiều đội công tác thí nghiệm, sửa chữa... Hầu như các đội đều xa trạm nên tranh thủ đến đây từ đêm hôm qua vừa tìm hiểu thiết bị vừa chuẩn bị phiếu tờ sẵn sàng cho công việc.
 
Bốn giờ sáng, điện thoại đổ chuông từ trung tâm điều khiển, lệnh thao tác bắt đầu, trực ca nhanh chóng thực hiện. Tất cả các thao tác đều đảm bảo theo phiếu, đúng quy trình và an toàn. Thao tác cắt điện vừa xong, mỗi đội công tác làm thủ tục đến vị trí làm việc của mình; nguồn chiếu sáng, trang thiết bị đã được chuẩn bị sẵn để tiến hành công việc.
 
Hôm nay chị Ánh được giao cùng anh em trong trạm vệ sinh công nghiệp, nghe từ “vệ sinh” đơn giản nhưng công việc không nhẹ nhàng chút nào. Những “cỗ” máy cắt lần lượt được kéo ra cẩn thận, tỷ mỹ lau chùi, tra lại dầu mỡ, kiểm tra, xử lý khiếm khuyết có thể gây sự cố, siết lại những ốc vít, lau chùi sứ bẩn trên MBA, DCL… Tận mắt chứng kiến, tôi cũng được anh em cho biết thêm: Hằng ngày,các thiết bị điện trong TBA 110kV đang vận hành bình thường nên nhân viên trực trạm luôn phải đảm bảo khoảng cách an toàn điện cho phép. Vì vậy mỗi lần cắt điện để thí nghiệm, trạm đều tranh thủ vệ sinh, “bôi trơn” các cỗ máy để đảm bảo cho quá trình vận hành an toàn. Thiết bị trong trạm nhiều trong khi thời gian cắt điện ngắn nên mọi người đều phải làm việc hết công suất.
 
Bảy giờ, trời mới hửng nắng mà mồ hôi đã lấm tấm thấm ướt những tấm áo màu cam. Dõi mắt ra xa, các thợ điện trên tuyến cũng đã treo mình trên các cột điện cao vút. Những chấm áo vàng nhỏ ấy đang tranh thủ thay thu lôi, làm lại cung lèo, xử lý khuyết điểm trên đường dây…
 
Công việc trên lưới của thợ điện giữa trưa nắng.
 
Gần trưa, bức tranh thợ điện trở nên sinh động hơn: Đội đang vệ sinh thiết bị, Đội sửa chữa miệt mài xử lý máy cắt, Đội thí nghiệm đang mày mò với bao dây rợ và máy chuyên dùng… Mỗi người một nhiệm vụ, ai cũng tất bật để hoàn thành công việc của mình, thỉnh thoảng lại nghe “rầm rầm” với những lần đóng thử máy cắt, tín hiệu chuông còi ầm ỉ. Một âm thanh hỗn loạn, đầy khó chịu trong không khí nóng nực với người lần đầu chứng kiến như tôi.
 
Mười hai giờ trưa, nắng đã tròn bóng, thời tiết như không chiều lòng người khi mỗi lúc một nắng thêm, gió nóng táp vào mặt vào người. Bụng đã đói reo nhưng các chú thợ điện vẫn chắc tay kìm, tuốc lô vít hoàn thành xong công việc. Những thợ điện trên tuyến cũng lọt thỏm giữa đất trời, căng mình trên lưới. Khi mọi người đang tìm trốn tránh cái nóng, thì họ vẫn “đội nắng” làm việc chỉ mong sao kịp thời cấp điện cho người dân.
 
Mười ba giờ, công việc cũng gần xong, những tấm lưng ướt đẫm được thay bằng những mảng bám trắng mồ hôi lỳ lợm, gương mặt đỏ cháy lộ rõ sự mệt mỏi. Vậy mà buổi ăn trưa dường như không một ai nhắc đến, anh Nguyễn Hồng Phong (công nhân TBA 110kV Kỳ Anh) chia sẻ: “Tranh thủ thời gian cắt điện, mọi người đều phải cố gắng làm việc để trả lưới đúng giờ, thế nên bữa ăn cũng thất thường theo. Ai mới vào ngành lúc đầu cũng thấy khó chịu nhưng sau quen rồi lại thấy bình thường”.
 
Mười bốn giờ điều độ viên gọi điện nhắc nhở thời gian trả phiếu, xác nhận khối lượng công việc, thiết bị đủ tiêu chuẩn vận hành… Mọi người lại tất bật cho công việc trả lưới. Sau khi lệnh đóng điện thành công, bữa cơm trưa của thợ điện mới được bắt đầu. Uống vội cốc nước, anh Phong cười vui vẻ: “Mỗi lần hoàn thành xong công việc mệt mỏi cũng tan biến theo, chỉ còn là niềm vui và phấn khởi vì đã cấp điện lại cho người dân kịp thời”.
Theo: NPC