Các tấm pin tại trang trại điện Mặt trời ở Upington, Nam Phi ngày 21/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN.
Năm 2024 có thể là xem là thời điểm thế giới tăng tốc dịch chuyển, khi công nghệ phát triển nhanh chóng, góp phần làm giảm chi phí nhưng cũng khiến nhu cầu điện năng tăng vọt, mở ra cơ hội khai thác những nguồn năng lượng mới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên bền vững.
Năm 2024, bức tranh năng lượng tái tạo thế giới tiếp tục ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Phân tích của tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember cho thấy thế giới đang trên đà đạt 593 GW công suất lắp đặt năng lượng Mặt trời vào cuối năm nay. Con số này cao hơn 29% so với năm ngoái, duy trì đà tăng trưởng mạnh ngay cả sau mức tăng kỷ lục 87% vào năm 2023. Trung Quốc đang trên đà tăng thêm 28% công suất năng lượng Mặt trời so với năm trước. Với tốc độ này, tổng công suất lắp đặt của Trung Quốc sẽ đạt 334 GW, chiếm 56% công suất lắp đặt toàn cầu trong năm 2024.
Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) nước này ước tính đến cuối năm 2024, công suất điện Mặt trời sẽ tăng ở mức kỷ lục 38,4 GW lên 128,2 GW và lưu trữ pin sẽ tăng kỷ lục 14,9 GW lên 30,9 GW. Tỷ lệ lắp đặt năng lượng Mặt trời trong lĩnh vực dân dụng sẽ tăng từ 14% vào năm 2023 lên mức kỷ lục 25% trong năm 2024.
Trong báo cáo Năng lượng tái tạo năm 2024, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định số lượng dự án năng lượng tái tạo ở mức cao khiến nhu cầu lưu trữ điện để cân bằng hệ thống tăng mạnh. Tổng công suất pin lưu trữ sẵn sàng hòa vào lưới điện tại Mỹ, Anh, Australia, Tây Ban Nha và Chile đã lên tới 540 GW.
Ngoài năng lượng tái tạo, điện hạt nhân cũng nổi lên là lựa chọn tối ưu tại nhiều quốc gia với ưu điểm ít phát thải carbon và khả năng cung ứng liên tục. Lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, công suất phát điện hạt nhân của thế giới đạt mức 416 triệu kW. Đặc biệt, sự ra đời của công nghệ điện toán đám mây, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm tăng mức tiêu thụ năng lượng của các công ty lớn trong lĩnh vực này. Để đảm bảo có đủ nguồn điện, các "ông lớn" cũng đã gia nhập cuộc đua khi Microsoft, Amazon, Google công bố đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai ở Mỹ.
Nhằm đẩy nhanh quá trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở Baku (Azerbaijan), 25 quốc gia đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không có biện pháp kiểm soát khí thải. Chính phủ Anh mới đây tuyên bố sẽ sớm ban hành luật mới nhằm hạn chế việc cấp phép cho các mỏ than mới trong tương lai.
Trước đó, Ratcliffe-on-Soar - nhà máy điện than cuối cùng của nước này, đã đóng cửa vào tháng 10 vừa qua, khiến Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành luật, yêu cầu từ năm 2035, tất cả ôtô và xe tải mới được bán ở châu Âu phải là xe không phát thải. Để thích ứng với chính sách giảm phát thải khắt khe, tranh thủ trợ cấp của chính phủ, các hãng ôtô đã đẩy mạnh phát triển xe điện nhằm tận dụng ưu đãi, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, khiến cuộc đua trong lĩnh vực này nóng hơn bao giờ hết.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion cho thấy doanh số bán xe điện trong tháng 11 đã tăng tháng thứ bảy liên tiếp, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục thứ ba liên tiếp. Doanh số bán xe điện đã tăng 32,3% lên 1,83 triệu xe vào tháng 11. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng doanh số, chiếm gần 70% tổng doanh số bán xe điện trong tháng. Giá cả phải chăng cùng chi phí sử dụng thấp là ưu điểm khiến nhiều người dân Na Uy chuyển sang xe điện. Mặc dù là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, song Na Uy lại đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng xe điện.
Những nỗ lực chuyển đổi năng lượng, phát triển xe điện, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong năm qua đã cho thấy quyết tâm của các nước trong việc khẩn trương ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, quá trình này đang đối mặt với một số rào cản nhất định. Do chịu tác động từ tự nhiên nên năng lượng tái tạo có tính ổn định thấp hơn so với các nguồn năng lượng truyền thống, trong khi chi phí đầu tư ban đầu là khá cao. Các tấm pin Mặt trời đã qua sử dụng có thể gây hại tới môi trường. Quá trình chuyển đổi cũng đòi hỏi nâng cấp hạ tầng để truyền tải và giúp nguồn năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện.
Để giải quyết vấn đề xử lý, tái chế các tấm pin Mặt trời phế thải, thế giới đã áp dụng công nghệ tổng hợp, kết hợp các công nghệ vật lý, công nghệ nhiệt và công nghệ hóa học. Các nước cũng đang phát triển lưới điện thông minh cho phép tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện lưới hiện có, tạo ra một hệ thống điện bền vững và hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực xe điện, hạ tầng trạm sạc chưa đáp ứng kịp với quy mô phát triển khiến một số hãng đã quyết định hoãn tiến độ ra mắt sản phẩm. Trong bối cảnh đó, xe hybrid (sử dụng cả động cơ đốt trong và sạc điện) đã nổi lên như một giải pháp chuyển tiếp cho việc sử dụng xe EV, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa giúp doanh nghiệp duy trì thị phần. Đây là loại xe thân thiện với môi trường đang ghi nhận tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, mặc dù khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi nơi, mọi lĩnh vực, song quá trình chuyển đổi đang diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia, khi những nước thu nhập thấp phải ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu khẩn cấp hơn. Trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách, tại hội nghị COP29, gần 200 quốc gia nhất trí với mục tiêu tăng gấp 3 lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035, để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Thỏa thuận cũng đặt ra mục tiêu huy động tổng cộng 1.300 tỷ USD mỗi năm từ cả nguồn công và tư cho các quốc gia đang phát triển. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, dù con số này không cao như kỳ vọng, nhưng sẽ là nền tảng để các nước tiếp tục hành động, hướng tới mục tiêu kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và chống biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ở giai đoạn nước rút. Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu Copernicus C3S cho biết dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 11 đã xác nhận năm 2024 chắc chắn sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận và là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - "lằn ranh đỏ" trong việc bảo vệ hành tinh khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm. Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Trong khi đó, báo cáo Ngân sách Carbon toàn cầu cảnh báo lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục 41,6 tỷ tấn trong năm nay, khiến thế giới càng có nguy cơ chệch hướng khỏi mục tiêu ngăn chặn các hiện tượng khí hậu cực đoan có sức tàn phá lớn.
Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu vẫn trên đà tăng nhanh, thời tiết cực đoan, căng thẳng địa chính trị có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung, quá trình chuyển đổi xanh có thể bị chậm lại do các chính sách kinh tế tập trung vào nhiên liệu hóa thạch của chính quyền Mỹ sắp tới cũng như các biện pháp thuế quan nhằm vào xe điện, việc đảm bảo an ninh năng lượng và giảm khí thải đang trở thành mục tiêu tối quan trọng.
Ngoài các chính sách ưu đãi, trợ cấp khuyến khích đầu tư vào công nghệ khai thác năng lượng sạch, phát triển xe điện, việc đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, chuyển đổi xanh, cân đối giữa bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đòi hỏi hợp tác chặt chẽ giữa các nước, sự tham gia của khu vực công và tư nhân để quá trình chuyển đổi diễn ra thành công, phân bổ đồng đều đầu tư cho những nơi cần nhất để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây sẽ là nền tảng cho một tương lai phát triển bền vững.
Link gốc