Hướng tới ĐH thi đua yêu nước EVN lần thứ III

Thợ “tay ngang” làm lợi hàng trăm triệu đồng

Thứ tư, 24/6/2015 | 13:35 GMT+7
“Tôi không có bằng cấp gì, chỉ là thợ “tay ngang”, được nhận vào Cty làm việc. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo, CĐ Cty mà tôi được như hôm nay” - anh Nguyễn Tấn Đạt - CN bậc 7/7, tổ gia công, Đội cơ điện, Xưởng Bảo trì thí nghiệm điện, Cty Truyền tải điện 4 - xởi lởi mở đầu câu chuyện.

Anh Đạt đang bảo trì máy lọc dầu sử dụng cho máy biến áp. 
 
Vào nghề bằng kiến thức “học lỏm”
 
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1989, anh Đạt ứng tuyển vào Cty Truyền tải điện 4 (TPHCM). “Thấy tôi khai biết sửa máy, mấy cán bộ tuyển dụng bảo tôi tháo, lắp lại một cái máy. Tôi làm được, các anh nhận vào làm CN” - anh Đạt nhớ lại kỳ thi đặc biệt như cái duyên, để rồi anh gắn bó với Cty 26 năm qua. Những ngày đầu vào Cty anh Đạt cũng bỡ ngỡ với công việc mới. Nhờ sự chịu khó học hỏi, chăm chỉ, tận tình và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng nghiệp, từng bước anh Đạt hội nhập với công việc. “Nói thật, tôi được hỗ trợ nhiều lắm. Chẳng hạn người ta có khi 4 năm mới được thi tay nghề, còn tôi chỉ 3 năm đã được thi, vì thế đến bây giờ tôi đã hết bậc (7/7)” - anh Đạt chia sẻ.
 
Truyền tải điện là công việc đặc biệt, đòi hỏi người thợ phải có những sáng tạo để bảo đảm kịp thời tiến độ, tiết giảm công sức, nhưng vẫn phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Khoảng tháng 6.2014, máy biến áp T4 ở Trạm biến áp 220kV Bình Hòa (Bình Dương) bị hỏng, ảnh hưởng đến việc truyền tải điện. Lãnh đạo Cty yêu cầu phải thay thế máy trong vòng 4 ngày. Máy mới thì có, nhưng về cơ cấu lại có những điểm khác nhau. Nếu chờ đổ móng mới để lắp đặt phải mất hơn một tuần mới đưa vào vận hành được. Trước tình hình đó, anh Đạt nghiên cứu và gia công giá đỡ thanh cái 23kV và chỉnh hướng thanh đồng băng trong cho phù hợp với yêu cầu. Kết quả, trong đúng hạn, máy biến áp mới được lắp đặt, làm lợi cho Cty 40 triệu đồng.
 
Giúp cho CN làm việc nhẹ nhàng hơn
 
Trong quá trình vận chuyển, thay thế máy biến áp, việc kiểm tra những chiếc rơle còn hoạt động được hay không là rất quan trọng nhưng mất thời gian và tốn kém tiền bạc. Từ thực tế làm việc, anh Đạt nghiên cứu, chế tạo ra bộ phận thử rơle có thể dùng được bằng cả áp suất, dầu hay gas. Điều đặc biệt, thiết bị do anh Đạt chế tạo nhỏ gọn, CN đi hiện trường có thể mang theo dễ dàng sử dụng. Sáng tạo này của anh cũng làm lợi cho Cty 70 triệu đồng và được ứng dụng rộng rãi.
 
Trò chuyện với anh, tôi cảm nhận được sự chất phác trong con người. Nhưng ẩn sau sự chất phác đó lại là sức sáng tạo không mệt mỏi. Dường như năm nào anh cũng có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Thậm chí có sáng kiến như dùng những quạt gió trong máy lạnh một cục (khá rẻ tiền) để gia công, thay thế cho quạt ly tâm dùng trong bộ phận lọc sạch dầu sử dụng trong máy biến áp, giúp Cty không phải nhập khẩu thiết bị thay thế.
 
Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch CĐ Cty Truyền tải điện 4 - nhận xét: “Anh Đạt là một CN có tay nghề cao. Trưởng thành từ một người thợ học việc, với sự cần cù, chịu khó, anh có nhiều sáng tạo từ công việc mà không phải kỹ sư nào cũng có thể làm được. Những sáng tạo này không chỉ làm lợi cho Cty về hiệu quả kinh tế, mà giúp cho công việc của anh em CN nhiều khi nhẹ nhàng hơn. Trong các phong trào thi đua do CĐ phát động, anh Đạt luôn là người gương mẫu, đi đầu. Anh Đạt luôn đoàn kết với anh em và được mọi người quý mến”.

Sinh năm 1960, anh Nguyễn Tấn Đạt được tặng bằng khen của Thủ tướng năm 2013, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013, Chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn Điện lực năm 2010, Chiến sĩ thi đua cấp TCty Truyền tải điện quốc gia năm 2011 - 2012, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2011, 2012, 2014...
 
Theo: Báo Lao động

Bình luận của bạn

Captcha image