Thông tin kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2014)

Chủ nhật, 21/12/2014 | 15:14 GMT+7
Vào lúc 9h00 hôm nay, ngày 21/12/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954-21/12/2014) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2. 
 
 
Đến dự có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Đức Lương – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Văn An – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ … và các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mẹ Việt Nam anh hùng; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ lão thành ngành Điện qua các thời kỳ và cán bộ, công nhân viên ngành Điện.
 
Cách đây tròn 60 năm, ngày 21/12/1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô nhưng Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam. 
 
Trong 60 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia khoảng 34.000 MW, đứng thứ thứ 3 hiện nay trong khu vực Đông Nam Á và thứ 31 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện. Ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết của Đảng là “đảm bảo điện đi trước một bước”. Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến năm 2014 sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 141,4 tỷ kWh, cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
 
Những bước tiến thần kỳ của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc  - Nam, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và gần đây nhất là Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á... Để có được thành công này, ngành Điện lực nói chung, EVN nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng trong 10 năm từ năm 2003 đến năm 2013, tổng  vốn đầu tư của EVN đã đạt 493.577 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2013, lần đầu tiên EVN vượt qua mốc 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng và năm 2014, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư của EVN ước đạt 123.654 tỷ đồng. Ngành Điện tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư.
 
60 năm lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam cũng chính là 60 năm trường kỳ công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và xây dựng đất nước sau giải phóng miền Nam. Các thế hệ những người làm điện đã nỗ lực "giữ dòng điện như dòng máu của mình", đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại năm 1975. Sức mạnh ấy vẫn tiếp tục được phát huy sau giai đoạn đất nước thống nhất, bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, mở ra giai đoạn mới - Giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. 
 
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành Điện là một trong những ngành kinh tế ổn định, sớm thống nhất được mô hình hoạt động, cũng là ngành kinh tế năng lượng đầu tiên lập các quy hoạch tổng thể, mang tầm chiến lược (từ Quy hoạch điện I giai đoạn 1981- 1985 đến Quy hoạch điện VII giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến 2030). Đây chính là cơ sở quan trọng để các đơn vị trong ngành lập các kế hoạch phát triển cụ thể cho từng giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các nhóm giải pháp chiến lược cũng đã được hoạch định, chỉ đạo triển khai một cách bài bản. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam (năm 1994) đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (năm 2006) đã hội tụ được sức mạnh tổng hợp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành, làm cơ sở vững chắc để có những thành công rực rỡ như ngày hôm nay.
 
Những thành tựu quan trọng của ngành đã đạt được:
 
1. Ngành điện đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhiều năm liên tục.
 
Chỉ trong 20 năm, ngành Điện đã đưa vào vận hành tổng công suất 10.416 MW nguồn điện, tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2014 đạt 34.000 MW, có khả năng sản xuất cung cấp cho đất nước tới 160 tỷ kWh/năm và niềm mong ước của nhiều thế hệ ngành Điện là hệ thống điện có dự phòng công suất đã trở thành hiện thực với mức dự phòng trên 20% từ năm 2013. Hệ thống lưới điện quốc gia đã là một thể thống nhất, vươn tới mọi miền của đất nước với trên 6.000 km đường dây 500 kV, 30.000 km đường dây từ 110 kV-220 kV, hơn 430.000 km lưới phân phối  từ 0,4 kV tới 35 kV và hàng trăm nghìn trạm biến áp truyền tải - phân phối. Năm 2005, đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 2 hoàn thành và năm 2013, đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành đã tạo nên trục  truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam hoàn thiện gồm 3 mạch với tổng chiều dài gần 4.000 km, kết nối vững chắc hệ thống điện toàn quốc đáp ứng yêu cầu về độ an toàn và tin cậy. Lưới điện của Việt Nam cũng đã kết nối với lưới điện các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia ở các cấp điện áp từ 22 kV tới 220 kV.
 
2. Chương trình  đầu tư đưa điện về nông thôn hải đảo đã được thực hiện xuất sắc, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo.
 
Đến cuối năm 2014 đã có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ, 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn có điện lưới. Từ  năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Điện đã đưa lưới điện quốc gia vượt trùng khơi vươn tới các huyện đảo tiền tiêu tổ quốc, đem ánh sáng của Đảng đến với nhân dân các vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo. Trong số 12 huyện đảo của cả nước, có 6 huyện đảo đã và có điện lưới quốc gia trong năm 2014 gồm huyện Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải (Hải Phòng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); 6 huyện đảo gồm Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hoàng Sa (Đà Nẵng); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quí (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện được cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ. EVN đã quản lý vận hành và bán điện trực tiếp cho khách hàng tại 8/12 huyện đảo. 
 
3. Các thế hệ ngành Điện liên tục phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nghiên cứu, ứng dụng và đã làm chủ các tiến bộ khoa học, công nghệ kỹ thuật điện tiên tiến trong quản lý và sản xuất.
 
Ngày nay, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành Điện đã trưởng thành vượt bậc, có trình độ và kỹ năng ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ, đủ sức làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống điện qui mô lớn. Nhiều công trình điện lớn, phức tạp, có qui mô tầm khu vực ngày nay đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trong nước thiết kế và thi công như công trình đường dây siêu cao áp 500kV, hàng chục nhà máy thủy điện và nhiệt điện quy mô lớn trong đó tiêu biểu là công trình Thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW. 
 
Các đơn vị cơ khí điện lực đã phát huy nội lực trong sản xuất, sửa chữa và chế tạo các thiết bị điện thay thế nhập khẩu chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tính cạnh tranh sản phẩm trong cơ chế thị trường ngày càng cao. Hiện nay, cơ khí điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như các máy biến áp 220kV, công suất đến 250MVA, máy biến áp 500kV, công suất 150MVA, là nước duy nhất trong Đông Nam Á chế tạo máy biến áp 500kV; tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia. 
 
4. Trong xu thế hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới, ngành Điện đã và đang tích cực mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế, học tập các kinh nghiệm tốt, phát triển các cơ hội hợp tác, kinh doanh.
 
Quan hệ của các đơn vị ngành Điện với các Hiệp hội chuyên ngành, các Tổ chức tài chính quốc tế, các Tập đoàn Điện lực, các Công ty chế tạo thiết bị điện lớn trên thế giới ngày càng được mở rộng. Ngành Điện đã học tập được nhiều kinh nghiệm tốt của quốc tế, tranh thủ được nhiều nguồn tài trợ  hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, cải cách ngành điện và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển để đầu tư nguồn, lưới điện.
 
Các giải pháp đã thực hiện để đạt được những thành tích xuất sắc:
 
Thứ nhất, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ. Thực tế từ năm 2004, EVN đã đẩy mạnh công tác cổ phần hoá. Qua hơn 10 năm thực hiện, Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hoá và chuyển thành công ty cổ phần được 31 đơn vị, bao gồm 07 công ty phát điện, 01 công ty phân phối điện và 23 công ty, đơn vị thuộc khối phụ trợ (tư vấn xây dựng điện, cơ khí điện lực, xây lắp điện, vật tư vận tải, vật liệu điện,…). Qua đó, có tác động tích cực tới công tác quản trị, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng.
 
Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, EVN đã nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển 20 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập; các đơn vị được quyền chủ động về tài chính cũng như quyết định và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, trước pháp luật; được phân cấp mạnh hơn, chủ động hơn trong công tác lập và triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường trong từng giai đoạn; chủ động trong công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch vốn, kế hoạch đầu tư xây dựng qua đó rút ngắn được thời gian thực hiện dự án, đầu tư kịp thời, có hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí do xác định đúng trọng điểm đầu tư. 
 
Đề xuất tiến tới thị trường hoá điện lực: ngày 01/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được đưa vào vận hành; đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của EVN, từ sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của lãnh đạo Tập đoàn đến tinh thần trách nhiệm của đội ngũ các kỹ sư trực tiếp tham gia vận hành thị trường điện. Việc đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào vận hành là bước phát triển quan trọng của ngành Điện Việt Nam chuyển sang cơ chế vận hành theo thị trường. Thành công của thị trường phát điện cạnh tranh chính thức là điều kiện cần thiết nhằm thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thị trường điện về sau theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Thứ hai, tập trung cao độ, dám nghĩ dám làm, phát huy nội lực, trí tuệ của tập thể cán bộ, công nhân viên; đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật điện, đổi mới công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 
 
Giai đoạn 2003-2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua các dự án đầu tư, làm chủ công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài trong phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin. Tập đoàn cũng đã đầu tư nghiên cứu, áp dụng hệ thống thông tin nội bộ chuyên ngành, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả để quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên. 10 năm qua, Tập đoàn đã có 22 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec), 1 công trình đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2013. 
 
Nhiều công nghệ mới được áp dụng xây dựng đập thủy điện đem lại hiệu quả cao như: công nghệ đập đá đổ với bê tông bản mặt tại một số công trình thủy điện có địa hình địa chất phức tạp; công nghệ đập bê tông đầm lăn (RCC), đây là công nghệ tiên tiến có nhiều ưu điểm nổi bật và mới được tiếp cận tại Việt Nam, qua đó rút ngắn được thời gian xây dựng, tiết kiệm chi phí đầu tư, điển hình là Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hoàn thành sớm trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
 
Thứ ba, chủ động, sáng tạo trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng; thực hiện tiết kiệm điện và giảm tổn thất điện năng đạt kết quả cao. Với phương châm phục vụ “khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”, công tác dịch vụ khách hàng luôn được cải tiến, hoàn thiện. Số khách hàng mua điện trực tiếp tăng từ 1,9 triệu khi mới thành lập lên trên 20 triệu khách hàng năm 2013. 
 
Phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng luôn được Tập đoàn coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2003 - 2013, EVN đã tiếp nhận lưới điện trung, hạ áp ở khu vực nông thôn từ các đơn vị quản lý khác với khối lượng lưới điện lớn trong hiện trạng phần lớn đã cũ nát,gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giảm tổn thất điện năng.Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp giảmtổn thất điện năng từ 12,23% năm 2003 xuống còn 8,87% năm 2013. Bằng việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, các quy định nội bộ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin khách hàng, mở rộng các kênh giao tiếp với khách hàng..., công tác dịch vụ khách hàng của Tập đoàn đã có một bước tiến dài, đạt được những kết quả đáng kể, đáp ứng cơ bản các nhu cầu dịch vụ điện ngày càng cao của khách hàng như: Rút ngắn thời gian cấp điện mới xuống dưới 07 ngày, xử lý sự cố dưới 02 giờ; Khách hàng có thể giao dịch các dịch vụ điện theo nhiều kênh khác nhau (đăng ký mua điện và tra cứu thông tin qua internet, thanh toán điện tử, nhắn tin SMS, hóa đơn điện tử...); Thực hiện cơ chế “Một cửa” trong giao dịch khách hàng để khách hàng dễ tiếp cận - dễ tham gia - dễ giám sát các dịch vụ về điện..., từng bước xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với khách hàng.
 
Phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù trong giai đoạn 2003 - 2013, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn đã tổ chức tiếp nhận lưới điện trung, hạ áp ở khu vực nông thôn từ các đơn vị quản lý khác với khối lượng lưới điện lớn, phần lớn đã cũ nát, gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giảm tổn thất điện năng, nhưng với nỗ lực lớn, EVN và các đơn vị thành viên đã áp dụng nhiều biện pháp đạt kết quả cao, giảm tổn thất điện năng từ 12,23% năm 2003 xuống còn 8,87% năm 2013. Song song với đó, công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, được EVN tập trung đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp tiết kiệm điện. 
 
Thứ tư, quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên chức và người lao động vì mục tiêu phát triển bền vững. Đánh giá nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu sản xuất kinh doanh, hoàn thành sứ mệnh và liên tục phát triển, hơn 10 năm qua. Từ năm 2010 đến 2013, hầu hết cán bộ quản lý các đơn vị cấp 2 trở lên đã được tham dự các khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp hiện đại. 
 
Tuy nhiên, yêu cầu của ngành điện không chỉ bắt kịp sự tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới mà còn đỏi hỏi độ ổn định, an toàn rất cao. Do đó, hàng năm các đơn vị trong toàn Tập đoàn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên với số lượng bình quân hơn 1 lần đào tạo/1 người/1 năm (riêng năm 2013 đã có 217.000 lượt người được đào tạo/104.101 lao động), trong đó tập trung chủ yếu vào việc đào tạo lại về an toàn, đào tạo nâng bậc và cập nhật công nghệ mới. Trình độ lực lượng lao động Tập đoàn đã tăng đáng kể, tỷ lệ đã qua đào tạo đạt 94,35%, trong đó lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 32,84%.  
 
Tập đoàn đã từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với trình độ quản lý, kỹ thuật công nghệ tiên tiến trên thế giới. Từ năm 2002, Tập đoàn bắt đầu chọn cử các em đạt giải quốc gia, quốc tế, có thành tích học tập tốt theo học các chuyên ngành kỹ thuật điện ở nước ngoài. Đến nay, 33 sinh viên đã về nước tham gia tích cực vào các vị trí trong ngành Điện. Đặc biệt, từ năm 2006 đến 2009, Tập đoàn đã chủ động cử 30 sinh viên tài năng đi học về điện hạt nhân tại Nga và Pháp. Năm 2013, 9 sinh viên đầu tiên đã về nước, bổ sung lực lượng chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. 
 
Thứ năm, công tác xã hội, từ thiện, đền ơn, đáp nghĩa tiếp tục được Tập đoàn đặt mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa.Từ năm 2003 đến nay, Tập đoàn đã hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện đối với nhân dân và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước với tổng số tiền 244,5 tỷ đồng (bình quân trên 22,2 tỷ đồng/năm). Hiện nay, đang nhận phụng dưỡng suốt đời 90 bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
 
Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ giúp đỡ 3 huyện nghèo là Phong Thổ, Tân Uyên và Than Uyên tỉnh Lai Châu. Tập đoàn đã ký kết với UBND tỉnh Lai Châu Chương trình hỗ trợ 3 huyện giai đoạn 2009-2015 có giá trị khoảng 566 tỷ đồng để triển hai các dự án cấp điện, xây dựng nhà bán trú tại các trường học, xóa nhà tạm, cấp học bổng đào tạo nghề cho con em dân tộc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện từ trên 50% xuống còn dưới 40% (theo tiêu chuẩn nghèo mới).
 
Những định hướng phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thời gian tới.
 
Mục tiêu tổng quát của EVN: Phấn đấu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế lớn mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, hoạt động hiệu quả; đảm bảo vai trò chính trong cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội; Làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; Xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp tận tâm, thân thiện có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn. 
 
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, các định hướng phát triển Tập đoàn trong các năm tới bao gồm:
 
1. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển đất nước. Hoàn thành nhiệm vụ đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII. Trong giai đoạn 2016-2020, EVN đưa vào vận hành 18 tổ máy thuộc 10 dự án nguồn điện với tổng công suất lắp đặt 5.175MW. Xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối hiện đại, đồng bộ với nguồn điện và đảm bảo kết nối đến hộ tiêu thụ. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đầu tư các dự án điện hạt nhân, thủy điện tích năng. Hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn để đến năm 2015 đạt 98,6% số hộ dân nông thôn có điện và phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện; tiếp tục đầu tư đưa điện lưới đến các huyện đảo.
 
2. Tiếp tục đổi mới tái cơ cấu Tập đoàn, chuyển đổi mô hình hoạt động  theo cơ chế thị trường, đảm bảo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.
 
Từ năm 2015-2016, Tập đoàn sẽ tiến hành cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện; sẽ bắt đầu giai đoạn thí điểm thị trường bán buôn điện và tiến tới thị trường điện bán lẻ sau năm 2020.
 
3. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để đầu tư chiều sâu, cải tạo nâng cấp, hiện đại hoá nguồn và lưới điện, thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
4. Xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân vững mạnh. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hiện đại hóa của Tập đoàn. Chú trọng xây dựng lực lượng nhân sự cấp cao có đủ năng lực lãnh đạo doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ, công nhân viên, ổn định việc làm và cải thiện đời sống người lao động trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả.
 
5. Xây dựng thành công hình ảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy, thân thiện, hết lòng vì khách hàng.
 
Với ý thức, niềm tự hào về lịch sử và thành tựu của ngành Điện lực cách mạng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm phấn đấu, phát huy truyền thống 60 năm, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của đất nước.
 
THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Ban Quan hệ cộng đồng - Tập đoàn Điện lực Việt Nam
 
Điện thoại: 04.66946405/66946413 Fax: 04.66946402
 
Địa chỉ: Số 11 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội;
 
Website: www.evn.com.vn, www.tietkiemnangluong.vn
 
File
File
Ban Quan hệ cộng đồng EVN

Bình luận của bạn

Captcha image