Tham gia buổi thực tập có Thiếu tá Đặng Quang Nguyên - Phó Đội trưởng PCCC&CNCH Công an thành phố Đà Nẵng, hơn 20 chiến sĩ công an làm nhiệm vụ huấn luyện và 04 xe chữa cháy chuyên dụng. Về phía PC Đà Nẵng có sự tham gia của ông Nguyễn Thái Hùng - Trưởng phòng An toàn, ông Trần Văn Bình – Trưởng phòng TTBVPC và ông Phạm Tấn Vũ – Giám đốc Xí nghiệp Lưới điện cao thế Đà Nẵng cùng với gần 80 CBCNV PCCC của Công ty.
Với tình huống giả định cháy, nổ MBA T1 (40-60kVA, 110/22kV) do chạm chập phóng điện bên trong MBA gây cháy. Ban đầu, đám cháy diễn ra âm ỉ bên trong, sau một thời gian đám cháy phát triển lớn, van phòng nổ MBA bị bung ra, dầu máy biến áp bắn tung ra ngoài gây cháy lan, cháy lớn, khói bao phủ dày đặc, diện tích khoảng 15m2.
Ngay khi xảy ra vụ cháy, lực lượng phòng cháy cơ sở đã nhanh chóng báo động, báo cháy đến đường dây nóng 114 và tiến hành chữa cháy ban đầu. Đồng thời, Trưởng ban chỉ huy PCCC&CNCH cơ sở nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chỉ huy lực lượng PCCC tại chỗ nhanh chóng triển khai các hoạt động hướng dẫn thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy và di chuyển tài sản.
Nhận tin báo, Công an TP Đà Nẵng điều động 4 phương tiện chữa cháy và CNCH của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an quận Ngũ Hành Sơn đến tiếp ứng. Do chất cháy có dầu máy biến áp nên lực lượng chuyên nghiệp đã sử dụng 190 lít dung dịch Foarm tạo bọt dập tắt đám cháy và chống cháy lan sang các khu vực xung quanh.
Sau thời gian ngắn phối hợp giữa các lực lượng, đám cháy giả định đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Buổi thực tập diễn ra nghiêm túc, an toàn và đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật đề ra. Kết thúc buổi thực tập, các đơn vị tiến hành họp rút kinh nghiệm sau thực tập, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ huy, phối hợp tác chiến với các lực lượng tham gia PCCC&CNCH nhằm đánh giá nhận thức của cán bộ công nhân viên trong công tác PCCC&CNCH, tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ.
Nội dung buổi thực tập mang tính thực tiễn cao, nhất là đối với các đơn vị sản xuất trực tiếp, liên quan đến an toàn cháy nổ, cứu nạn cứu hộ, giúp nắm vững các tính năng, tác dụng, cách sử dụng của các loại trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH được trang bị tại cơ sở... góp phần nâng cao nghiệp vụ, ý thức phòng ngừa cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ và các kỹ năng thực tế dập tắt cháy nổ nếu xảy ra và sơ cấp cứu người bị nạn cho lực lượng phòng cháy cơ sở cũng như CBCNV tham gia.