Ảnh minh họa.
Ngoài ra, Điện lực Đồng Nai cũng cam kết bảo mật danh tính cho người tố cáo tiêu cực.
Theo Điện lực Đồng Nai, việc khen thưởng cho người tố cáo đã được công ty thực hiện từ năm 2014, song do công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh nên nhiều người không nắm được quy định này.
Tuy vậy, nhờ nguồn tin của quần chúng, thời gian qua, ngành điện Đồng Nai đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm của các cá nhân trong sử dụng điện.
Để ngăn chặn tình trạng ăn cắp điện, năm 2015 Điện lực Đồng Nai sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức về sử dụng điện cho khách hàng; xác định công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện là công việc dễ phát sinh tiêu cực, do khách hàng hối lộ cán bộ công nhân viên để không bị xử lý vi phạm hành chính.
Thời gian tới, Điện lực Đồng Nai thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất nhằm đánh giá tinh thần trách nhiệm của người làm công tác này; khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong kiểm tra, xử lý vi phạm, hỗ trợ chi phí cho những người trực tiếp làm kiểm tra.
Lãnh đạo Điện lực Đồng Nai cho biết, vừa qua, trên địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) xuất hiện một số người mặc trang phục giống trang phục bảo hộ lao động của nhân viên ngành điện, tự nhận là nhân viện điện lực, đến nhà người dân tư vấn cách tiết kiệm điện bằng hình thức cắt chì niêm phong công tơ điện (điện kế), tác động vào bên trong làm cho công tơ đo đếm điện năng thấp hơn điện năng khách hàng sử dụng, sau đó, niêm lại bằng chì không đúng mẫu chì ngành điện.
Thực chất, đây là hành vi lừa đảo, gian lận trong sử dụng điện, nếu hộ gia đình đồng tình để những đối tượng này cắt chì niêm phong, tác động vào công tơ điện là người dân vi phạm Luật Điện lực.
Ngành điện Đồng Nai đề nghị người dân khi phát hiện đối tượng làm giả chì niêm phong cần báo cho cơ quan công an hoặc công ty điện lực.
Năm 2014, tình trạng ăn cắp điện ở Đồng Nai diễn biến phức tạp, qua các đợt kiểm tra, ngành điện lập biên bản gần 500 trường hợp vi phạm (riêng thành phố Biên Hòa có 254 trường hợp) sử dụng điện với sản lượng điện năng truy thu hơn 2,1 triệu kWh, tương ứng số tiền khoảng 7 tỷ đồng.
Các hình thức ăn cắp điện chủ yếu như câu móc trực tiếp ngoài công tơ, tác động cơ học, tác động bên ngoài làm sai lệch chỉ số công tơ.