Tin thế giới

Thụy Sỹ bắt đầu kỷ nguyên năng lượng tái tạo

Thứ năm, 26/12/2019 | 13:23 GMT+7
Cuối tuần qua, Thụy Sỹ đã đóng cửa một trong những nhà máy hạt nhân lâu đời nhất của họ, một động thái kiên quyết để tiến tới chấm dứt sản xuất năng lượng nguyên tử trong vòng 30 năm nữa.
 
Nhà máy điện hạt nhân Muehleberg đã dừng hoạt động
Nhà máy điện hạt nhân Muehleberg đã dừng hoạt động
 
Nhà máy lịch sử
 
Nhà máy điện hạt nhân Muehleberg thuộc Tập đoàn BKW nằm cách thủ đô Bern chỉ 40km, đã hoạt động suốt gần 50 năm qua. Tuy nhiên, người ta đã dừng hoạt động của nhà máy từ giữa trưa 21/12 trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình công lớn nhất nước này.
 
Trên TV là hình ảnh một kỹ thuật viên nhấn 2 chiếc nút trong phòng điều khiển, dừng phản ứng chuỗi và ngừng lò phản ứng. Sản lượng điện ở đây đã giảm dần trong vài tuần qua, và lượng nguyên liệu cuối cùng được nạp vào mùa hè năm 2018 đã được làm nghèo. Từ tháng Giêng tới, BKW sẽ bắt đầu tháo dỡ nhà máy.
 
Công việc này dự định kéo dài tới năm 2034, với sự tham gia của 200 người, trong đó, từ giờ cho đến tháng 10/2020 các thiết bị dùng cho việc sản xuất điện như turbine, máy phát, máy làm giàu sẽ tiếp tục được tháo dỡ, còn tòa nhà trung tâm sau đó sẽ được chuẩn bị để tháo dỡ, tẩy độc, thu thập kim loại.
 
Đến năm 2024, tất cả các thanh nhiên liệu hạt nhân sẽ được chuyển tới một cơ sở lưu trữ tạm thời trung tâm chuyên dành cho chất thải phóng xạ ở Wurenlingen, phía Bắc Thụy Sỹ. Hoạt động phóng xạ sẽ được xóa bỏ tại nhà máy trước năm 2031. Việc ngừng hoạt động và tiêu hủy dư lượng hạt nhân tiêu tốn tổng số chừng 3 tỷ francs Thụy Sỹ (khoảng 3,1 tỷ USD).
 
Muehleberg là nhà máy nhỏ nhất trong 4 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này. Với công suất 373 megawatt, nó bắt đầu hoạt động từ năm 1972 và đã sản xuất ra khoảng 130 kilowatts giờ điện, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành phố Bern khoảng 1 triệu dân trong hơn 100 năm.
 
Đầu năm 2013, giấy phép hoạt động của Muehleberg đã được kéo dài vô thời hạn, nhưng chỉ vài tháng sau, BKW công bố kế hoạch đóng cửa. Công ty cho biết, đây là một quyết định kinh doanh chứ không phải mang động cơ chính trị.
 
“Nếu chúng tôi muốn tiếp tục duy trì hoạt động nhà máy về lâu dài, chúng tôi sẽ phải đầu tư rất nhiều để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật do Thanh tra An toàn Hạt nhân Thụy Sỹ quy định” - BKW cho biết. Song kế hoạch đầu tư lâu dài cho nhà máy này với con số hàng trăm triệu francs đã bị bác bỏ.
 
Việc đóng cửa nhà máy Muehleberg đã tạo ra nhiều phản ứng khác nhau. “Có rất nhiều bí quyết sáng tạo của Thụy Sỹ ở nhà máy điện này. Những chiếc van cũ chẳng hạn, nó vẫn do Công ty kỹ thuật Sulzer của Thụy Sỹ sản xuất ra. Một phần của nhà máy và lịch sử kinh tế đang mất đi” - một công nhân nhà máy giấu tên nói với Reuters - “Thật sự là tổn thương khi chúng ta chấm dứt tất cả những gì đã nuôi dưỡng trong nhiều năm”. Một công nhân khác cho biết, họ sẽ vui mừng nếu nhà máy hoạt động lâu hơn - theo trang Euronews.
 
Đầu tư năng lượng sạch
 
Nhưng những người vận động chống điện hạt nhân đã hoan nghênh sự kiện đóng cửa Muehleberg. “Chúng tôi hoan nghênh việc đóng cửa nhà máy” - Philippe de Rougement, Chủ tịch nhóm Sortir du Nucleaire cho biết - “Chúng tôi còn muốn nó đóng cửa sớm hơn”.
 
Ông này cho rằng việc Thụy Sỹ sử dụng năng lượng hạt nhân chính là yếu tố gây trì hoãn việc phát triển năng lượng tái tạo. “Năng lượng hạt nhân là một sai lầm khủng khiếp với Thụy Sỹ. Chúng ta có điện, nhưng các thế hệ tương lai phải xử lý chất thải độc hại và họ chắc chắn sẽ không cảm ơn chúng ta”.
 
Bộ trưởng Môi trường Thụy Sỹ Simonetta Sommaruga phát biểu với kênh phát thanh RTS của nước này rằng, ngày Muehleberg đóng cửa “thực sự là một ngày lịch sử”. Đây là dấu mốc cho việc bắt đầu chấm dứt kỷ nguyên điện hạt nhân của Thụy Sỹ.
 
Sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 gây ra quan ngại về an toàn điện hạt nhân trên toàn thế giới, Thụy Sỹ quyết dịnh dần dần sẽ giãn sử dụng điện hạt nhân. Thụy Sỹ cũng là nơi có nhà máy hạt nhân vẫn còn hoạt động lâu đời nhất thế giới - nhà máy Beznau, và nhà máy này cũng sẽ được đóng cửa vào cuối năm 2029. Hai nhà máy còn lại - Goesgen và Leibstadt sẽ được đóng cửa vào năm 2040 và 2045.
 
Trong các thập kỷ tới, Thụy Sỹ dự định tăng đáng kể sản xuất năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện trong nước. Do lưới điện được kết nối với châu Âu, đến nay Thụy Sỹ cũng mua điện từ các nước láng giềng như Pháp - nước này cũng có nhiều nhà máy điện hạt nhân. Từ năm 2017, người dân Thụy Sỹ cũng đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của chính phủ từ bỏ điện hạt nhân, thúc đẩy năng lượng bền vững bằng cách trợ giá để phát triển điện gió, điện mặt trời, thủy điện.
 
Đầu tuần trước, các nhà hoạt động ở Thụy Sỹ đã vận động được đủ chữ ký để yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến về việc đưa vào hiến pháp mục tiêu trở thành một quốc gia “trung tính về khí hậu” - tức là chấm dứt hoàn toàn việc đốt nhiên liệu hóa thạch vào giữa thế kỷ 21.
 
Cho đến năm 2017, các nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sỹ vẫn sản xuất ra 1/3 sản lượng điện của nước này, so với khoảng 60% từ thủy điện và 5% từ năng lượng tái tạo.
 
Đức, nước láng giềng của Thụy Sỹ đã đóng cửa 10 lò phản ứng hạt nhân từ năm 2011 đến nay, và Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định ngừng tất cả các nhà máy điện hạt nhân của nước này vào năm 2022.
 
Song song với Thụy Sỹ, cuộc tranh luận chính trị về tương lai của điện nguyên tử đã bùng nổ ở Thụy Điển. Vào ngày 30/12, lò phản ứng Ringhals ở Thụy Điển sẽ được đóng cửa nhưng các lò phản ứng khác vẫn còn tiếp tục hoạt động trong 2 năm nữa.

Link gốc 
Theo: GD&TĐ