Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Sự kiện này đồng nghĩa với việc Thủy điện Lai Châu cung cấp sớm cho hệ thống điện Quốc gia 4,7 tỷ kWh điện năng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và nền kinh tế nói chung.
*Tổng lợi ích xã hội là gần 7.000 tỷ đồng
Đánh giá của EVN cho thấy, có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La- Lai Châu, sự phối hợp tổ chức đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương, giải quyết vốn trong thời gian đầu và giải phóng mặt bằng để thi công công trình. Trong 5 năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, điều kiện giao thông ở vùng sâu, vùng xa; điều kiện địa chất xấu, thời tiết khắc nghiệt… nhưng tập thể đội ngũ cán bộ, kỹ sư người lao động đã đồng lòng quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách, “vượt nắng thắng mưa” với tinh thần “Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” để xây dựng lên một công trình công nghiệp hiện đại giữa vùng rừng núi Tây Bắc đảm bảo chất lượng, an toàn và vượt tiến độ 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
EVN cho biết, Dự án Thủy điện Lai Châu gồm 2 dự án thành phần: Dự án Xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu do EVN làm chủ đầu tư với các hạng mục chính gồm: đập dâng, đập tràn, tuyến năng lượng, nhà máy thủy điện, hệ thống truyền tải đấu nối vào lưới điện Quốc gia, đường giao thông tránh ngập tỉnh lộ 127 và đường tránh ngập đoạn Mường Tè - Pắc Ma. Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án. Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 là đơn vị Tư vấn thiết kế chính. Và Dự án Di dân tái định canh, định cư do UBND tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư.
Ông Vũ Đức Thìn, Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án Thủy điện Sơn La-Lai Châu khẳng định: “Phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã dấy lên khí thế lao động của cán bộ, công nhân viên chức lao động trên công trường. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã xuất hiện, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian thi công hạng mục công việc. Cũng từ phong trào này đã góp phần không nhỏ trong việc đưa công trình Thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mốc tiến độ được duyệt”.
Đánh giá về việc quản lý đầu tư, xây dựng công trình trọng điểm Quốc gia này, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy điện Sơn La, ông Phạm Hồng Phương cho biết: Dự án Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng sông Đà với 3 tổ máy, tổng công suất 1.200MW. Mặc dù nhà máy có công suất chỉ bằng 50% so với Thủy điện Sơn La nhưng do có địa chất đặc thù nên khối lượng thi công công trình không kém Thủy điện Sơn La.
Theo ông Phương, công trình về đích trước 1 năm là do đây là dự án trọng điểm Quốc gia nên Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước do 1 Phó Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng Ban kịp thời giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách chưa phù hợp để thúc đẩy tiến độ dư án. Bên cạnh đó, dự án này cũng khắc phục những tồn tại của dự án Thủy điện Sơn La để có nhiều kinh nghiệm được rút ra khi triển khai. Đồng thời vai trò của chủ đầu tư Dự án di dân tái định cư là UBND tỉnh Lai Châu đã giúp người dân di rời bản làng khỏi vùng lòng hồ đúng kế hoạch.
Việc công trình Thủy điện Lai Châu hoàn thành trước 1 năm không chỉ giảm đi những chi phí lãi vay, chi phí trả lương cho người lao động mà việc nhà máy đưa lên lưới điện Quốc gia với sản lượng điện 4,7 tỷ kWh/năm đã làm lợi cho EVN nói riêng và Nhà nước nói chung hàng nghìn tỷ đồng.
“Theo tính toán, tổng lợi ích xã hội mà dự án mang lại khoảng từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng”, ông Phương chia sẻ.
Cùng với dự án Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La trên sông Đà, Thủy điện Lai Châu được xây dựng khi đưa vào sử dụng sẽ nâng tổng công suất phát điện trên dòng chính sông Đà lên đến 5.500 MW; Tăng khả năng điều tiết lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho Đồng bằng Bắc bộ, tưới tiêu cho vùng hạ du.
*Phát huy vai trò từ thi công đến quản lý vận hành
Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy điện Sơn La cho biết, sáu năm thi công Thủy điện Lai Châu, thời điểm cao nhất có 8.000 người trên công trường, làm việc ngày đêm, liên tục 3 ca. Với khối lượng nhân công lớn này đòi hỏi vai trò điều hành toàn bộ công việc thật chặt chẽ, khoa học, từ họp giao ban công trường theo tuần, quý, cao điểm giao ban theo ngày tại công trường. Vì vậy cả 3 tổ máy đều vượt tiến độ.
Theo ông Phương, rút kinh nghiệm từ Thủy điện Sơn La, các đơn vị thi công dự án Thủy điện Lai Châu đã phát huy hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều cách làm sáng tạo được ứng dụng trên công trường giúp rút ngắn tiến độ và mang lại hiệu quả kinh tế.
Cụ thể như Tư vấn thiết kế thiết kế, tính toán giảm thiểu tối đa vết nứt, tổ chức thi công bê tông đầm lăn (RCC) theo sơ đồ liên tục. Đối với Ban Quản lý dự án, chủ động cùng Tư vấn và các bên thiết kế các khối lượng bê tông cấp cao. Nhiều nhà thầu thi công cũng có những sáng kiến cải tiến rút ngắn thời gian thi công. Kết thúc công trình có khối lượng đào đắp 15 triệu m3 đất đá, đổ 1,9 triệu m3 bê tông RCC, 1,6 triệu m3 bê tông thường và lắp đặt 34.000 tấn thiết bị.
Ông Nguyễn Thanh Oai, Phó Giám đốc Ban điều hành Lilama tại công trường Thủy điện Lai Châu cho biết, Lilama có 900 người thi công trên công trường này. Hiện nay công trường chỉ còn khoảng 150 người làm công tác hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại.
“Từng đảm nhận thi công nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước, để thi công công trình này, Lilama 10 đã đưa toàn bộ công nhân lành nghề từng thi công công trình Thủy điện Sơn La và Thủy điện Ialy về thi công công trình điện trọng điểm cuối cùng của Nhà nước. Vì vậy, các hạng mục thi công do Lilama đảm nhiệm đều được đẩy nhanh tiến độ và Ban Chỉ đạo Nhà nước công trình này đã đánh giá cao tính chuyên nghiệp của Lilama”, ông Oai bày tỏ.
Đại diện cho đơn vị quản lý vận hành nhà máy Thủy điện Lai Châu, ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho hay: “Tại công trường Thủy điện Lai Châu, chúng tôi phối hợp với Chủ đầu tư từ khâu giám sát, vận chuyển thiết bị để thiết bị được lắp đặt đảm bảo chất lượng; lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị sản xuất để tiếp nhận quản lý vận hành nhà máy, Chúng tôi cũng xây dựng những quy trình vận hành sửa chữa phù hợp nhất, đảm bảo tiêu chí vận hành an toàn”.
Ông Nam cho biết, đến 7 giờ sáng ngày 19/12, Thủy điện Lai Châu đã phát lên lưới điện Quốc gia 3,92 tỷ kWh, điều tiết 1,8 tỷ m3 nước cho hồ Sơn La, đảm bảo an toàn cho người dân ở thượng, hạ lưu thủy điện. Công trình đang vận hành ở trạng thái an toàn, ổn định, đáp ứng công suất cho hệ thống điện Quốc gia. Đặc biệt, công trình là đầu mối cắt lũ điều hòa sử dụng tài nguyên nước hữu ích hơn cho hồ Thủy điện Sơn La và hồ Hòa Bình.
(Còn tiếp)
Bài 2: Xây dựng xã nông thôn mới từ các điểm tái định cư