Ảnh rminh họa
Sang thế kỷ 21, thủy điện sẽ trở thành một trong những cách thức sản xuất điện hiệu quả và tiết kiệm nhất? Xin giới thiệu tới bạn đọc một góc nhìn khác.
Khai thác sức mạnh của nước
Con người đã biết khai thác sức mạnh của nước từ hơn 2.000 năm trước, kể từ khi người Hy Lạp cổ đại sử dụng dòng chảy để quay bánh xe dùng cho việc nghiền hạt. Tuy nhiên, thủy điện chỉ mới ra đời vào những năm 1950 và thực sự chỉ bén rễ trong thế kỷ 21.
Ngày nay, thủy điện đã trở thành một trong những cách sản xuất điện hiệu quả và tiết kiệm nhất, theo SCMP. Thế giới vẫn còn một chặng đường dài trước khi thực hiện được giấc mơ về năng lượng sạch toàn cầu.
Bob Dudley - Giám đốc điều hành của Tập đoàn BP - cho biết trong Báo cáo thống kê về năng lượng thế giới năm 2019 của công ty này rằng, mặc dù năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh hơn bất kỳ dạng năng lượng nào khác, nhưng nó vẫn chỉ cung cấp 1/3 mức tăng năng lượng cần thiết, tương đương với than.
Về năng lượng tái tạo, thủy điện thường gây ra tranh cãi nhiều như năng lượng mặt trời. Nhưng thực ra thủy điện là dạng năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đóng góp tới 15,9% điện năng toàn cầu - nhiều hơn sự đóng góp của tất cả dạng năng lượng tái tạo khác kết hợp lại. Nói cách khác, năng lượng do thủy điện mang lại, nếu thay thế bằng than, sẽ dẫn đến việc tạo ra thêm 4 tỉ tấn khí thải nhà kính mỗi năm.
Cả Hiệp định Paris và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc năm 2015 đều nhấn mạnh rằng thế giới bắt buộc phải chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng bền vững để giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cũng như cắt giảm tác động của con người tới hành tinh và khí hậu. Điều đó cho thấy tầm quan trọng gia tăng của thủy điện đối với mạng lưới điện toàn cầu. Ở Na Uy, 99% tổng sản lượng điện do thủy điện tạo ra. Ở Canada, cứ 10 nhà cung cấp điện thì có 6 là thủy điện và thủy điện tạo ra hàng nghìn việc làm ở nước này. Uruguay đã đạt đến mức gần 100% là năng lượng tái tạo, phần lớn nhờ vào thủy điện.
Châu Á "thức giấc" với thủy điện
Ở Châu Á, tiềm năng về thủy điện đang thực sự được giải phóng.
Trung Quốc, với 352 gigawatt vào năm 2018, là nước dẫn đầu thế giới về lắp đặt thủy điện, vượt xa Brazil và Mỹ đứng thứ hai và thứ ba. Cả hai nước này chỉ tạo ra hơn 100GW công suất lắp đặt. Các quốc gia Châu Á khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam cũng được xếp hạng trong số các quốc gia hàng đầu trên thế giới về năng lực thủy điện.
"4 năm kể từ khi các Mục tiêu phát triển bền vững được thống nhất tại Liên Hợp Quốc vào năm 2015, các chính phủ ngày càng thừa nhận thủy điện đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược quốc gia về cung cấp năng lượng sạch, giá cả hợp lý, quản lý nguồn nước sạch, chống biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế. Sự phát triển của thủy điện ngày nay đóng góp tích cực nhất cho các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi, với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tiếp theo là Nam Mỹ", Richard Taylor - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thủy điện Quốc tế và Ken Adams - Chủ tịch Hiệp hội Thủy điện Quốc tế, cho hay trong Báo cáo hiện trạng thủy điện 2019.
Nhìn chung, riêng Châu Á đã chiếm tới 42% - tương đương 543GW - trong tổng công suất lắp đặt của toàn thế giới vào năm ngoái là 1.295GW.
Châu Á cũng là nơi có nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới - đập Tam Hiệp của Trung Quốc sản xuất từ 90-100 terawatt giờ (TWH), đủ năng lượng để cung cấp 80 triệu hộ gia đình. Năng lượng do con đập này tạo ra lớn hơn công suất của các nhà máy thủy điện ở cả Pakistan và Việt Nam - đứng thứ 4 và thứ 5 tại Châu Á. Việt Nam đang dẫn đầu ở Đông Nam Á - khu vực có công suất thủy điện tăng gấp đôi từ 16GW (năm 2000) lên 44GW (năm 2016). Nước láng giềng Lào có tiềm năng thủy điện về mặt lý thuyết là 18.000 megawatt, dự kiến sẽ tăng gấp đôi - đạt 46 nhà máy thủy điện hoạt động vào năm tới. Thủy điện rất cần thiết cho nền kinh tế của Lào, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Và từ đó, Lào có biệt danh "pin của Đông Nam Á".
Trên hết, sự sẵn có của thủy điện là một lợi ích cho Châu Á và Thái Bình Dương, nơi có hơn 4,4 tỉ người, chiếm hơn nửa mức tiêu thụ năng lượng của thế giới, mà 85% trong số đó ở dạng nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi công nghiệp hóa và đô thị hóa đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thực tế là hơn 10% lượng dân số khổng lồ của khu vực này vẫn thiếu điện - một trở ngại rõ ràng cho khu vực để có thể cải thiện thu nhập và cuộc sống của người dân. Với khả năng chi trả là mối quan tâm chính yếu thì thủy điện thậm chí còn có ý nghĩa hơn, vì đây là một trong những nguồn năng lượng rẻ nhất hiện nay.
Giảm thiểu tác động của thủy điện đến môi trường
Trong những năm qua, thủy điện bị chỉ trích vì được cho là phải đánh đổi môi trường quá nhiều, hệ động vật bản địa và tác động lớn đến dân cư bản địa. Hậu quả tiềm tàng của các dự án thủy điện đã được Hiệp hội Thủy điện quốc tế (IHA) xác định, bao gồm "những thay đổi về chất lượng môi trường và những thay đổi về chất lượng cuộc sống đối với những người bị ảnh hưởng trực tiếp".
Để giải quyết các tác động môi trường và vấn đề xã hội này, IHA hợp tác với Hội đồng thẩm định sự bền vững của thủy điện được thành lập bởi các tổ chức phi chính phủ về xã hội và môi trường, tổ chức tài chính, chính phủ và công ty thủy điện - bao gồm Công ty Điện lực Sarawak Energy (Malaysia), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới WWF, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Ngân hàng Thế giới - đưa ra Nghị định thư đánh giá về sự bền vững của thủy điện. Nghị định thư này bao gồm các hướng dẫn và thông lệ công nghiệp quốc tế nhằm khiến thuỷ điện giảm nhẹ tác động hơn đối với môi trường và cộng đồng địa phương.
Năm 2017, Tập đoàn Tài chính Quốc tế cũng đã công bố Phương pháp tiếp cận môi trường, sức khỏe và an toàn đối với các dự án thủy điện, theo đó cung cấp các nguyên tắc để dự đoán, tránh và giảm thiểu rủi ro cho môi trường và tác động của việc phát triển thủy điện.
Mặt tích cực của thủy điện
Nhờ công nghệ lưu trữ và những lợi ích mà nó mang lại trong việc tích hợp các mạng lưới tái tạo và cân bằng khác, thủy điện là một yếu tố quyết định cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu từ hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo. Với các mục tiêu về năng lượng tái tạo đầy tham vọng, các quốc gia trên toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào các nguồn năng lượng như gió và mặt trời. Nhưng nguồn điện phải có sẵn, kể cả lúc trời không gió hoặc mặt trời không chiếu sáng.
Khi cung lớn hơn cầu, năng lượng dư thừa được tích trữ có thể giúp tăng lợi nhuận tổng thể. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo vốn bản chất là không liên tục thì đòi hỏi phải có các giải pháp linh hoạt. Thuỷ điện và hình thức lưu trữ là một phần của kế hoạch này.
Hơn 10% các nhà máy thủy điện cung cấp nơi dự trữ nước, giúp tích trữ một lượng lớn điện năng tiềm năng có thể sử dụng ngay lập tức; cung cấp linh hoạt hơn và ổn định hơn cho mạng lưới điện và cho phép phát triển các dạng năng lượng tái tạo khác. "Năng lượng tái tạo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành điện, cung cấp gần 30% nhu cầu điện vào năm 2023 và được dự báo sẽ đáp ứng hơn 70% mức tăng trưởng sản xuất điện toàn cầu", theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Thủy điện sẽ là một yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng này. Ngoài ra, việc xây dựng các đập thuỷ điện có nghĩa là mang lại nhiều điện năng hơn, cũng như tạo ra nhiều việc làm hơn.