Tài chính - Ngân hàng

Tích cực tìm kiếm nguồn vốn ODA để tối ưu hóa chi phí trong đầu tư

Thứ ba, 17/6/2014 | 09:45 GMT+7
Trong những năm trước đây, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã vay vốn JICA để đầu tư phát triển lưới điện. Giai đoạn 2005-2009, đã vay JICA theo hiệp định PSL1 là 125,9 tỷ đồng để đầu tư 5 công trình, với quy mô 6,4km đường dây 110kV; 91,8km đường dây trung áp, 348,2km đường dây hạ áp, 113 trạm biến áp với dung lượng 30MVA và hệ thống thông tin viễn thông nông thôn.
 


Nhu cầu đầu tư phát triển lưới điện của EVN CPC rất lớn.

Giai đoạn 2010-2013, EVN CPC vay JICA theo hiệp định PSL2 là 119,32 tỷ đồng để đầu tư 9 công trình chủ yếu khu vực Đà Nẵng, với quy mô 0,4km đường dây 110kV, 3 trạm biến áp 110kV có tổng dung lượng 191MVA; 55,5km đường dây trung áp và hệ thống thông tin viễn thông nông thôn 2.

Đây là những con số rất khiêm tốn so với nhu cầu đầu tư của EVN CPC và khả năng hỗ trợ vay vốn của JICA.

Hiệp định PSL3 giai đoạn 2015-2017 vẫn với tiêu chí “Lợi ích Nhật Bản”, nhưng EVN CPC mạnh dạn đăng ký 7 dự án cải tạo lưới điện phân phối cho 6 tỉnh, thành miền Trung, với tổng mức đầu tư 1.535,4 tỷ đồng, trong đó vay JICA 1108 tỷ đồng. Do chuẩn bị kỹ hồ sơ tài liệu từ trước, nên đoàn công tác đã cung cấp cho tư vấn Tepco rất nhiều thông tin, tài liệu dự án, đã trình bày về sự bất cập của lưới điện phân phối miền Trung như: tổn thất điện năng cao, độ tin cậy thấp, khả năng tải và liên kết lưới yếu… so với các nước trong khu vực. Về tiêu chí “Lợi ích Nhật Bản” thì chỉ có khu vực Đà Nẵng, TT-Huế mới có các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động rõ nét, các khu vực còn lại, đoàn công tác cũng đã thuyết phục tư vấn Tepco là có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế rất có tiềm năng và đang kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến sản xuất kinh doanh, mong muốn tham gia dự án PSL3 để đảm bảo cấp điện cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai đến sản xuất…

Tư vấn Tepco đã ghi nhận rất nhiều thông tin, số liệu dự án, dùng Google Earth xác định khu vực dự án để kiểm tra ảnh hưởng môi trường, dùng mạng internet để kiểm tra các thông tin doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động sản xuất trong khu vực dự án, thẩm định hiệu quả đầu tư các dự án... Trên cơ sở đó, Tepco chấm điểm dự án theo các tiêu chí để đệ trình lên JICA.

Hiệp định PSL3 lần này, JICA dự kiến khoảng 200 triệu USD, trong khi Tepco sơ bộ tổng kết số liệu tham gia dự án toàn EVN là 427 triệu USD, do đó công tác chấm điểm, phân loại các dự án theo tiêu chí của tư vấn rất căng thẳng. Khu vực miền Trung lại phải chịu sự bất lợi về tiêu chí “Lợi ích Nhật Bản”, tuy nhiên EVN CPC hi vọng dự án PSL3 lần này sẽ có tổng vốn đầu tư cao hơn các dự án PSL1 và PSL2 trước đây.

Nguồn vốn vay JICA có thời hạn vay 30 năm, ân hạn 20 năm, lãi suất 1,2%, phí cam kết 0,1%. Điều kiện giải ngân đơn giản hơn nhiều so với các nguồn vay ODA khác. Tuy nhiên, thời hạn giải ngân của JICA rất nghiêm ngặt, nên phải chuẩn bị kỹ dự án để đáp ứng điều kiện này. Đây là nguồn vốn vay có các chỉ tiêu rất tốt để đầu tư phát triển lưới điện.
 
Theo: EVN CPC