Tư vấn sử dụng điện

Tiếc tiền, chọn công suất thấp: Điều hòa tốn điện, lạnh kém, nhanh hỏng

Thứ sáu, 22/5/2020 | 11:11 GMT+7
Dưới đây là những sai lầm nên tránh khi mua và lắp đặt để điều hòa đạt hiệu suất cao, sử dụng bền bỉ và tiết kiệm điện.

Chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng.
 
Tiếc tiền, chọn công suất thấp
 
Công suất là chi tiết cần phải tính toán đầu tiên khi chọn mua điều hòa. Một số người chọn máy có công suất thấp hơn nhu cầu; việc này có thể giúp bạn tiết kiệm tiền đầu tư ban đầu do máy có công suất nhỏ sẽ có giá rẻ hơn.
 
Tuy nhiên, điều hòa công suất thấp hơn yêu cầu diện tích phòng sẽ khiến máy phải làm việc liên tục, dẫn đến nóng máy, tốn điện và làm giảm tuổi thọ. Theo gợi ý của kỹ thuật viên, phòng gia đình dưới 15 mét vuông nên chọn loại 1 HP (9.000 BTU), phòng 15-20 mét vuông dùng 1,5-2 HP (12.000 BTU)...
 
Lắp cục nóng ở nơi quá nắng
 

Lắp cục nóng ở nơi nắng trực tiếp, nhiều cục gần nhau, kín gió sẽ khiến điều hòa làm lạnh kém.
 
Không ít gia đình chỉ quan tâm tới vị trí của dàn lạnh mà quên việc tối ưu lắp đặt cho dàn nóng, để bộ phận này ở ngoài trời đúng hướng nắng chiếu vào. Khi đó, nhiệt độ môi trường quá cao khiến hiệu quả trao đổi nhiệt của điều hòa giảm đi đáng kể, dẫn đến lạnh kém và tốn điện.
 
Vị trí lắp cục nóng cần tránh hướng nắng chiếu trực tiếp, hạn chế khói bụi, lá cây để hạn chế phải vệ sinh. Không lắp các cục nóng gần nhau, không đặt cục nóng thổi đối diện nhau.
 
Che chắn cục nóng quá kỹ
 

Che cục nóng quá kỹ có thể gây tác dụng ngược.
 
Ngược lại với trường hợp ở trên, một số người lại quá cẩn thận khi làm tấm che xung quanh cho cục nóng. Theo các kỹ thuật viên, làm tấm che sẽ giúp tăng độ bền và giúp điều hòa đạt hiệu suất cao hơn, nhưng chỉ nên làm ở trên và mái che nên cách cục nóng trên 60 cm.
 
Không đặt cục nóng ở nơi quá bí, không có gió lưu thông vì khi đó nhiệt tỏa ra sẽ không thoát được. Cần tạo khoảng không gian để hơi nóng tỏa ra, từ đó giúp điều hòa làm lạnh tốt và đỡ tốn điện hơn.
 
Lắp dàn lạnh gần cửa, góc phòng
 

Tránh lắp cục lạnh ở nơi có chênh lệch nhiệt độ cao.
 
Một số người nghĩ lắp dàn lạnh ở góc phòng hoặc nơi nóng nhất sẽ giúp làm mát nhanh. Thực tế thì ngược lại, vị trí này khiến điều hòa phải hoạt động với công suất cao, tốn điện.
 
Hơn nữa, luồng khí nóng gặp khí lạnh thoát ra có thể gây hiện tượng điều hòa "đổ mồ hôi" và nhỏ nước trong phòng. Trong khi đó, lắp dàn lạnh ở gần cửa khiến hơi mát dễ thất thoát.
 
Nên bố trí dàn lạnh sao cho luồng gió thổi dọc căn phòng, cho hơi mát được tỏa đều. Tránh lắp điều hoà ngay phía trên cửa sổ hay cửa ra vào.
 
Tiết kiệm nên lắp dây quá ngắn
 

Dây đồng quá dài sẽ gây lãng phí, mất thẩm mỹ nhưng nếu ngắn dưới 3 mét sẽ làm hại điều hòa.
 
Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao kỹ thuật viên lại cuộn một vài vòng dây đồng thừa phía sau cục nóng. Đây có phải chiêu "móc túi" người dùng?
 
Tất nhiên, dây quá dài sẽ gây tốn tiền, mất thẩm mỹ, nhưng theo hướng dẫn của các nhà sản xuất, đường ống nối giữa cục nóng và cục lạnh phải đạt một khoảng cách tối thiểu nhất định, thường là 3 mét. Nếu ống này ngắn hơn tiêu chuẩn sẽ khiến vòng tuần toàn của gas ngắn lại, khiến máy nén phải làm việc liên tục. 
 
Các kỹ thuật viên cho biết, hiện tượng quá tải trên có thể dẫn đến điều hòa bị rung lắc hoặc phát ra tiếng hú. Về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến bộ phận máy nén bên trong điều hòa bị hỏng (chết nén).

Link gốc
Theo: Báo Dân trí