Thông tin đầu tư

Tiềm năng điện khí tại nam Vân Phong (Khánh Hòa)

Thứ tư, 22/7/2020 | 08:50 GMT+7
Hiện nay, nam Vân Phong được xem là điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà đầu tư điện khí hóa lỏng (LNG). Nếu các dự án được chấp thuận, khu vực này sẽ thu hút hàng tỷ USD đầu tư.
1
Cảng nước sâu tại nam Vân Phong rất thuận lợi để vận chuyển khí hóa lỏng.

Nhiều lợi thế
 
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Chi - cố vấn cấp cao cho Liên danh Tuấn Anh và các nhà đầu tư, khu vực xã Ninh Phước nói riêng, nam Vân Phong nói chung là khu vực rất thuận lợi để thực hiện các dự án điện LNG. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi có nhiều dự án điện khí, song xét về điều kiện tự nhiên không thuận lợi bằng Khánh Hòa. Chỉ tính riêng việc làm cảng biển đã giảm chi phí hàng tỷ USD, bởi ở đây có mực nước sâu, không phải nạo vét, tạo luồng như các địa phương khác.
 
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sự - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, nếu làm điện khí thì không đâu thuận lợi hơn Vân Phong. Lãnh đạo tập đoàn đã đi khảo sát tất cả các khu vực dọc bờ biển Việt Nam nhưng chỉ có Vân Phong mới hội đủ yếu tố để làm điện khí. Bên cạnh yếu tố về địa lý, khu vực này nước sâu, cảng có thể tiếp nhận được tàu chở khí nặng 300.000 tấn. Đây là lợi thế không dễ gì các nơi khác có được.
 
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex cho biết: “Nếu Petrolimex thực hiện dự án Trung tâm Điện lực khí và Kho cảng LNG Vân Phong sẽ rất thuận lợi. Bởi, khu vực làm dự án trước đây đã được quy hoạch làm dự án lọc dầu, khi chuyển hướng thì vấn đề giải phóng mặt bằng cũng thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, ở cạnh dự án là Kho xăng dầu Ngoại quan Vân Phong cũng thuộc tập đoàn nên sẽ tận dụng được hệ thống kho cảng cho dự án mới. Sản xuất điện khí đang là loại hình ít gây ô nhiễm nhất. Khi đi vào hoạt động, nó sẽ tạo nên tổ hợp về điện LNG, xăng dầu cho khu vực này”.
 
Giải quyết bài toán năng lượng
 
Một góc Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.
Một góc Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.
 
Trong số các nhà đầu tư đang đề xuất được nghiên cứu và thành lập các dự án điện LNG tại khu vực nam Vân Phong, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên danh Tuấn Anh và các nhà đầu tư… đang được xem là những ứng viên có tiềm năng. Tất cả các dự án điện LNG mà họ có ý định đầu tư đều tập trung tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.

Phân tích quy hoạch ngành Điện Việt Nam và cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, các nhà đầu tư xác định, mảng điện than phát triển tối đa không quá 60.000MW; thủy điện sẽ hạn chế phát triển, chỉ còn khoảng 18.000MW. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời được ưu tiên phát triển, nhưng điện gió  đến nay mới chỉ có nhà máy điện Bạc Liêu, Bình Thuận đi vào hoạt động. Một số chủ đầu tư đang xin cấp phép và triển khai dự án điện mặt trời. Vì vậy, việc thành lập các nhà máy điện LNG sẽ giải quyết tốt bài toán năng lượng.
 
Các dự án điện LNG mà các nhà đầu tư đang nghiên cứu và xin phép đầu tư đều là những dự án lớn. Trong đó, dự án Nhà máy điện LNG tại Khu Công nghiệp Ninh Tịnh (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) của Liên danh Tuấn Anh và các nhà đầu tư với diện tích khoảng 200ha. Khi dự án đi vào hoạt động có thể giải quyết việc làm trực tiếp cho từ 4.000 đến 6.000 lao động.

Còn dự án Trung tâm Điện lực khí và Kho cảng LNG Vân Phong của Petrolimex và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có diện tích khoảng 300ha, được thực hiện trên khu vực dự án Tổ hợp lọc hóa dầu nam Vân Phong mà Petrolimex (làm chủ đầu tư) xin Chính phủ cho phép dừng trước đó. Dự án Trung tâm Điện khí LNG được triển khai thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tuabin khí có tổng công suất 3.000MW và kho cảng LNG Vân Phong có sức chứa 180.000m3; giai đoạn 2 tiếp tục xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tuabin khí với tổng công suất tương đương các nhà máy giai đoạn 1. Hiện nay, Petrolimex và EVN đã báo cáo Chính phủ về chủ trương này, nếu được Chính phủ thông qua, trung tâm điện LNG sẽ sớm được triển khai.
 
Theo ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là một hướng đi mới. Đầu tư điện khí và kho chứa LNG sẽ mang lại hiệu quả cao. Đây cũng sẽ là một trong những dự án trọng điểm của nam Vân Phong. Vì vậy, nếu chủ đầu tư quyết tâm thì cần làm sớm.
 
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến nam Vân Phong. Khu vực này được đánh giá có ưu thế để phát triển công nghiệp. Xu hướng thu hút các dự án về năng lượng là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo bài toán an ninh năng lượng, điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ để kiến nghị Thủ tướng phê duyệt bổ sung các dự án điện LNG vào quy hoạch điện giai đoạn 2010 - 2020.

Link gốc
Theo: Báo Khánh Hòa