Cán bộ Trung tâm Điều khiển xa, Công ty Điện lực Tuyên Quang quản lý vận hành hệ thống lưới điện.
Qua đó nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hướng tới sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện và tăng năng suất lao động.
Phát triển lưới điện thông minh
Lưới điện thông minh được hiểu là hệ thống có khả năng tự theo dõi và phân phối dòng điện một cách độc lập nhằm tạo ra hiệu quả năng lượng tối đa. Tất cả các thiết bị của lưới điện thông minh tương tác với nhau, tạo thành một hệ thống cung cấp điện thông minh thống nhất nhờ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Thông tin thu thập được từ thiết bị được phân tích, để rồi những kết quả phân tích giúp tối ưu hóa việc sử dụng điện, giảm chi phí, nâng cao độ tin cậy và tăng hiệu quả của hệ thống điện.
Tại Công ty Điện lực Tuyên Quang, phát triển lưới điện thông minh được Công ty tập trung vào một số nội dung chính và một trong những dấu ấn nổi bật đó là đưa hệ thống SCADA/DMS của Trung tâm điều khiển xa vào vận hành. Hiện tại, Công ty đã đưa 7/7 trạm biến áp 110kV sang chế độ không người trực, đồng thời kết nối và điều khiển xa các thiết bị trên lưới điện trung áp được 150 máy cắt Recloser, 39 LBS (có 146 Re thao tác từ SCADA và 4 Re thao tác từ phần mềm hãng), trong đó đa phần các thiết bị được kết nối bằng cáp quang và 3G. Từ Trung tâm điều khiển xa có thể theo dõi, giám sát các chế độ vận hành, thực hiện điều khiển đóng/cắt, thay đổi chế độ làm việc của thiết bị tại các trạm biến áp 110kV và các recloser/LBS trên lưới điện.
Nhờ hệ thống SCADA, việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa... đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong mọi mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty như giảm thời gian thao tác vận hành đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì, bảo dưỡng, xử lý sự cố lưới điện... Từ đó giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn một cách tốt nhất.
Ngoài ra, Công ty Điện lực Tuyên Quang còn đẩy mạnh xây dựng và phát triển lưới điện trung, hạ thế hiện đại nhằm đảm bảo hệ thống điện hoạt động ổn định, cũng như được kết nối mạch vòng với khả năng thực hiện thao tác khép vòng nóng, không gây mất điện khách hàng khi chuyển kết lưới.
Ông Hà Huy Tâm, Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết: Phát triển lưới điện thông minh là xu hướng tất yếu khách quan của thời đại công nghệ 4.0. Về lâu dài, hệ thống lưới điện thông minh sẽ làm giảm áp lực nguồn vốn đầu tư cho ngành Điện thông qua việc nâng cao hiệu quả vận hành, hỗ trợ cho các giải pháp kỹ thuật để giảm tổn thất điện năng, tăng cường tiết kiệm điện, giảm lao động trực tiếp, đồng thời đảm bảo cung cấp điện ổn định tới khách hàng. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển lưới điện thông minh, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự động hóa lưới điện phân phối, mở rộng và khai thác hiệu quả hệ thống SCADA/DMS/OMG. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống viễn thông công nghệ thông tin nhằm hoàn thành toàn diện kế hoạch đề ra.
Gia tăng người dân thanh toán không dùng tiền mặt
Một trong những lĩnh vực được công ty tập trung thực hiện chuyển đổi số sớm là hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng, qua đó nhằm tối ưu hóa công tác chăm sóc khách hàng. Trước đây, đơn vị phải xử lý một lượng lớn hợp đồng mua bán điện nên việc quản lý, lưu trữ, tìm kiếm thông tin khách hàng gặp nhiều khó khăn. Nhưng đến nay tình trạng này đã được giải quyết, 100% hợp đồng mua bán điện ngoài mục đích sinh hoạt và hợp đồng mua bán điện sinh hoạt đã được số hóa, qua đó giảm bớt khâu quản lý hồ sơ hợp đồng mua bán điện theo phương pháp truyền thống, giúp việc tra cứu thông tin của khách hàng được thuận tiện và dễ dàng hơn.
Đến hết tháng 10-2024, Công ty đã lắp đặt được 268.737 công tơ điện tử các loại trên tổng số 283.925 công tơ đang vận hành trên lưới chiếm tỷ lệ 94,65% (trong đó số công tơ điện tử đã lắp đo xa đạt 223.694 công tơ, đạt 78,79%). Với mục tiêu phấn đấu hết năm 2025 lắp đặt 100%, các công tơ trong hệ thống này sẽ được đọc tự động, từ xa qua hệ thống máy tính để giảm tối đa việc đọc thủ công công tơ của khách hàng. Việc lắp đặt hệ thống công tơ đo xa giúp ngành điện nâng cao năng suất lao động, tăng độ chính xác, nhất là tính minh bạch trong việc ghi chỉ số sử dụng điện với khách hàng. Công ty đã cung cấp 12 dịch vụ điện trực tuyến, tương đương dịch vụ công ở cấp độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng qua website chăm sóc khách hàng và Tổng đài 19006769, ứng dụng Zalo... nhằm tăng tính tương tác giữa ngành điện và khách hàng.
Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số một cách đồng bộ, đạt hiệu quả cao, công ty cũng đã ứng dụng các phần mềm về quản trị doanh nghiệp như hệ thống văn phòng điện tử (E-Office); hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối các điện lực, phòng, ban, đội trực thuộc. Các phần mềm này đã hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý, điều hành toàn công ty...
Công ty cũng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, sử dụng hóa đơn điện tử trên nền tảng chuyển đổi số dữ liệu khách hàng. Hiện nay đơn vị đã hợp tác với các ngân hàng như Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank, MBbank để thực hiện thanh toán tiền điện thông qua ATM, Bankplus, internet Banking, trích thu nợ tự động... Trung bình mỗi tháng có khoảng 102.736 khách hàng trong tổng số 278.694 khách hàng của ngành Điện thực hiện thanh toán tiền điện qua các dịch vụ của ngân hàng. Bên cạnh việc thu tiền điện qua ngân hàng, hiện nay có khoảng 135.800 khách hàng sử dụng điện của công ty đang thanh toán tiền điện qua các tổ chức trung gian như Bưu điện, ViettelPay và các ví điện tử như VNPay, MoMo, ZaloPay, VNPT-Media, Payoo...
Với việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã và đang phát huy tính hiệu quả, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương.
Link gốc