Tin thế giới

Tiết kiệm điện - Bài 5: Từ Cool Biz đến Warm Biz - đa dạng giải pháp ở Nhật Bản

Thứ hai, 20/5/2019 | 08:14 GMT+7
Là một nước nghèo về tài nguyên, Nhật Bản có tỷ lệ tự chủ về năng lượng rất thấp. Một năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011, tỷ lệ tự chủ về năng lượng (bao gồm cả điện hạt nhân) của nước này chỉ khoảng 20%. 
Nhà chức trách đo nhiệt độ mặt đường tại một vỉa hè được phun nước ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
 
Con số này đã giảm mạnh còn khoảng 7,4% năm 2015 khi hàng loạt nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa sau sự cố.
 
Để giải quyết vấn đề năng lượng, cùng với việc đảm bảo nguồn cung, nhiều thế hệ chính phủ ở Nhật Bản đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích tiết kiệm điện. Một trong số các giải pháp hiệu quả mà Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện trong thời gian qua là ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và sản xuất các thiết bị tiêu hao năng lượng ít hơn, đồng thời trợ giá cho người dân khi sử dụng các thiết bị này.
 
Tuy nhiên, giải pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao nhất chính là chiến dịch tiết kiệm năng lượng trong mùa Hè, với tên gọi Cool Biz. Chiến dịch này do Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE) phát động năm 2005 dưới thời chính quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi nhằm đối phó với nguy cơ thiếu điện và giảm lượng phát thải khí CO2.
 
Cool Biz kêu gọi các bộ, ngành trực thuộc chính phủ phải duy trì nhiệt độ điều hòa nơi công sở ở mức 28 độ C. Các nhân viên công sở được khuyến khích mặc các trang phục thoải mái như áo phông ngắn tay và đi giày thể thao đế mềm thay vì các bộ áo vét theo đúng văn hóa công sở của Nhật Bản. Thời gian thực hiện chiến dịch này là từ tháng 6 đến tháng 9. Hưởng ứng Cool Biz, tất cả lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản khi đó đều mặc trang phục thoải mái đến công sở. Thủ tướng Koizumi thường xuyên trả lời phỏng vấn mà không mặc áo vét hay thắt cà vạt.
 
Khi mới triển khai, Cool Biz bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài cho đến tháng 9 hằng năm. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011, Nhật Bản đã phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng do các nhà máy điện hạt nhân phải ngừng hoạt động hàng loạt. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch Super Cool Biz.
 
Ngoài việc duy trì nhiệt độ điều hòa ở mức 28 độ C và khuyến khích mặc trang phục thoải mái tới công sở, Super Cool Biz kêu gọi các công sở đẩy khung giờ làm việc lên sớm hơn, đồng thời kêu gọi nhân viên công sở tắt máy tính khi không sử dụng và đi nghỉ Hè nhiều hơn. Áo phông và giày thể thao được cho phép ở nơi công sở, trong khi quần bò và dép sandal cũng được chấp nhận trong một số trường hợp.
 
Vào ngày 1/6/2011 - ngày khởi đầu của Super Cool Biz, các quảng cáo về Super Cool Biz xuất hiện trên hàng loạt các tờ báo, trong đó có các hình ảnh các nhân viên công sở trong trang phục áo phông và áo sơ mi nhiều màu sắc của tỉnh Okinawa. Sau đó, Super Cool Biz tiếp tục được triển khai trong năm 2012.
 
Kể từ năm 2013 đến nay, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục chiến dịch Cool Biz trong mùa Hè hằng năm, với thời gian thực hiện dài hơn, từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10. Năm 2019, Cool Biz bắt đầu muộn hơn (vào ngày 7/5) do Nhật Bản có một kỳ nghỉ lễ dài trước đó.
 
Cùng với Cool Biz, MOE đang triển khai chiến dịch Cool Share nhằm khuyến khích mọi người cùng nhau chia sẻ những không gian chung có điều hòa nhiệt độ như các trung tâm thương mại hay quán cà phê, đồng thời khuyến khích người dân trồng cây xanh để có bóng râm che nắng. Bên cạnh đó, Cool Share kêu gọi mọi người ngừng sử dụng điều hòa cá nhân và đi tới các khu vực có cây xanh hoặc điều hòa sử dụng chung.
 
Ngoài Cool Biz và Cool Share, vào mùa Đông hằng năm, Chính phủ Nhật Bản triển khai chiến dịch Warm Biz trên khắp toàn quốc từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Warm Biz kêu gọi người dân đặt nhiệt độ điều hòa ở mức 20 độ C trong mùa Thu và mùa Đông, đồng thời khuyến khích công chức, viên chức mặc áo ấm đến công sở để giảm bớt điện năng sử dụng cho điều hòa. Bên cạnh đó, như một phần của Warm Biz, Warm Share kêu gọi mọi người chia sẻ không gian ấm áp thay vì việc sử dụng riêng điều hòa và ăn các thực phẩm có chức năng làm ấm cơ thể.
 
Sau một thời gian thực hiện, Cool Biz và Warm Biz đã lan rộng sang cả khu vực tư nhân khi nhiều doanh nghiệp và hiệp hội tuyên bố ủng hộ chiến dịch này. Chẳng hạn, Toyota đã cho phép nhân viên không cần phải mặc áo vét và thắt cà vạt khi gặp đối tác kinh doanh. Nhiều hiệp hội bán lẻ cũng yêu cầu các siêu thị và cửa hàng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp trong hiệp hội duy trì nhiệt độ điều hòa ở mức 28 độ C trong mùa Hè và 20 độ C trong mùa Đông, đồng thời tắt bớt một số bóng đèn không cần thiết.
 
Bên cạnh đó, các công ty điện lực cũng triển khai nhiều chương trình nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Năm 2017, một nhóm các công ty điện lực và khí đốt ở Nhật Bản đã phát động cuộc thi tiết kiệm năng lượng giữa các khách hàng. Các hộ gia đình tham gia sẽ được cung cấp các số liệu tiêu thụ điện năng, khí đốt của mình và các hộ khác ở xung quanh để đối chiếu, đồng thời được tư vấn để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
 
Nhờ nỗ lực của cả chính phủ và khu vực tư nhân, ý thức tiết kiệm điện của người dân Nhật Bản đã được nâng cao và lượng điện năng tiêu thụ cũng giảm đáng kể. Chẳng hạn, theo thống kê của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), lượng điện năng tiêu thụ ở giờ cao điểm trước trận động đất tháng 3/2011 là 64,3 triệu KW. Năm 2017, con số này đã giảm xuống còn 56,53 triệu KW.
Theo: Báo Tin tức