Quản lý năng lượng

Tiết kiệm điện: Cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và người dân

Thứ ba, 23/6/2020 | 17:06 GMT+7
Miền Bắc đang trong đợt cao điểm mùa nắng nóng, nên nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất và sinh hoạt của người dân tăng đột biến. Để việc cấp điện không bị gián đoạn, ngoài những nỗ lực của ngành điện, cần có sự chung tay góp sức của cả doanh nghiệp và người dân. 
 
Chúng tôi đến Công ty Cổ phần dệt lụa Nam Định tại thành phố Nam Định đúng vào ngày nắng nóng cao điểm. Mặc dù nhiệt độ ngoài trời lúc  15 giờ chiều là khoảng 39 độ C, nhưng trong nhà máy sản xuất, mức nhiệt vẫn được duy trì từ 28 đến 30 độ. Với sự nỗ lực của Ban Giám đốc công ty, việc thiết kế lại nhà xưởng, trang bị các thiết bị chiếu sáng, làm mát nhưng tiết kiệm điện đã được thực hiện hàng năm. Vì vậy, ngay trong tháng nắng nóng cao điểm, lượng tiêu thụ điện cũng không tăng so với thời gian trước đó. 
 
Ông Đào Văn Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dệt lụa Nam Định cho biết, hàng năm Công ty có mời đơn vị kiểm toán để đánh giá hoạt động tiết kiệm trong phạm vi sử dụng năng lượng. Chúng tôi chú trọng đến việc đầu tư công nghệ mới như nâng cấp hệ thống cung cấp điện và hệ thống tự động để giảm tiêu thụ sử dụng điện.
 
Mỗi tháng, Công ty Cổ phần dệt lụa Nam Định phải trả khoảng 2 tỷ đồng tiền điện. Vì vậy, việc tiết kiệm điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp này. Có rất nhiều giải pháp mà cán bộ và công nhân đã thực hiện, nhưng quan trọng nhất là ý thức sử dụng điện tiết kiệm và an toàn của những người trực tiếp sử dụng máy móc, thiết bị. Chị Nguyễn Thị Nhuận, công nhân nhà máy nhuộm, Công ty Cổ phần dệt lụa Nam Định cho biết, sử dụng điện tiết kiệm nhất là mình dùng máy phải hết công suất. Khi không sử dụng nữa là phải tắt hết các thiết bị. Bình thường thì chúng tôi có ánh sáng tự nhiên, ví dụ như ban ngày, đủ ánh sáng mặt trời thì tắt hết các thiết bị điện đi.
 
Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn 2016 – 2019  tăng trung bình 11,47%, công suất, sản lượng điện năm 2019 gấp 1,6 lần so với năm 2015. Do tỷ lệ thành phần điện Quản lý - Tiêu dùng dân cư chiếm tỷ trọng khoảng 30%, nên trong đợt nắng nóng, hầu hết các tỉnh đều có mức tăng sản lượng cao đột biến (từ 10% - 15%). 
 
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, sản lượng điện nhận trên hệ thống trong những ngày nắng nóng tăng 1,3 lần so với ngày thường. Thực hiện lời kêu gọi của UBND thành phố Hải Phòng về việc tham gia chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tích cực hưởng ứng, nâng cao ý thức, trách nhiệm và tính chủ động tham gia. Nhiều doanh nghiệp chủ động sắp xếp cho công nhân làm việc theo ca, đảm bảo máy móc vận hành một cách liên tục. Một số doanh nghiệp thậm chí còn lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để giúp giảm chi phí tiền điện, vừa góp phần cho việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho thành phố. 
 
Ông Phạm Hồng Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec, đơn vị chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng cho biết, về mặt kinh tế, chúng tôi đang xây dựng chiến lược phủ toàn bộ điện mặt trời cho toàn bộ diện tích mái của các nhà xưởng. Việc này để tận dụng được không gian, diện tích của các mái này để mình sản xuất điện.
 
Thời gian tới, nắng nóng tiếp tục gia tăng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc khuyến cáo khách hàng thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, với những hành động cụ thể như: Kết hợp quạt mát, quạt trần, tránh dùng điều hòa nhiệt độ thấp liên tục cả ngày; Tránh để điều hòa lạnh đột ngột, chỉ nên để nhiệt độ làm mát từ 25 độ trở lên; Tránh bật các thiết bị điện công suất lớn cùng lúc, đặc biệt trong giờ cao điểm. 
 
Trước tình hình sản lượng điện tiêu thụ tăng liên tiếp từng ngày, để bảo đảm việc cấp điện ổn định rất cần sự chung tay của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
 
Nguyên Long