Quản lý năng lượng

Tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng

Thứ hai, 5/9/2022 | 10:24 GMT+7
Thay đổi các thiết bị điện, sử dụng điện trong các giờ thấp điểm thay cho giờ cao điểm, thường xuyên tắt các thiết bị điện không cần thiết… là những hình thức tiết kiệm điện hiệu quả đã được các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng áp dụng.
Tư vấn, tuyên truyền tiết kiệm điện cho các HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Thay đổi thiết bị, thói quen để giảm tiền điện
 
Gia đình bà Nguyễn Thị Kiêm, chủ cơ sở sản xuất rau sạch thủy canh Kim Hùng (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) có 2 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên trồng các loại rau xà lách thủy canh. Hiện việc sản xuất tại trang trại của bà Kiêm được hoàn toàn kết nối bằng hệ thống chăm sóc thông minh, có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, quả và các loại nông sản trên một quy mô lớn. Nhờ vậy, sản phẩm đều đạt chuẩn VietGAP, đồng thời nâng cao năng suất và mỗi tháng gia đình bà thu hoạch hàng chục tấn rau.
 
Tuy nhiên, việc sử dụng các hệ thống điện đã khiến trang trại của bà Kiêm tiêu tốn một lượng điện khá lớn và trung bình mỗi tháng hết gần 100 triệu đồng tiền điện. Kể từ năm 2021 đến nay, bà Kiêm đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong vườn từ đèn compact sang sử dụng đèn led; đồng thời, lắp đặt các hệ thống cảm biến để phục vụ nhu cầu tưới tiêu của khu vườn. Đặc biệt, bà Kiêm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các thiết bị sử dụng điện trong các giờ cao điểm. Nhờ vậy, gia đình bà đã tiết kiệm được từ 20 - 25% lượng điện tiêu thụ. “Để giảm chi phí tiền điện, chúng tôi luôn sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào giờ thấp điểm, không sử dụng các thiết bị quá cũ, quá lỗi thời…và điều quan trọng vẫn là hình thành được ý thức tắt khi không sử dụng”.
 
Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Gia Nguyễn (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) chuyên sản xuất rau hữu cơ thủy canh. Ông Phan Văn Minh Phụng, Chủ nhiệm HTX cho biết, do nhu cầu sử dụng nước lớn và thường xuyên, nhất là mùa nắng nóng nên hợp tác xã phải dùng trên 15 máy bơm công suất lớn. Để giảm chi phí tiền điện, ngoài việc thay đổi thói quen sử dụng, nhất là hạn chế sử dụng điện vào các giờ cao điểm, đơn vị này còn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Nhờ áp dụng các hình thức này mà chi phí tiền điện hàng tháng đã giảm khoảng 30% so với trước. “Để có thể tiết kiệm điện, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho các thành viên trong HTX sử dụng điện tiết kiệm, tắt các thiết bị khi không sử dụng và tránh sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào giờ cao điểm”, ông Phụng nói.
 
Đồng hành tiết kiệm điện
 
Ông Trần Minh Tường - Giám đốc Điện lực Đơn Dương cho biết, việc sử dụng điện phục vụ sản xuất ngày càng gia tăng là xu hướng tất yếu. Để đảm bảo an toàn cung cấp điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, ngoài việc kiểm tra bảo trì sửa chữa lưới điện định kỳ, hàng năm thông qua công tác theo dõi nắm bắt nhu cầu phát triển phụ tải phục vụ tưới tiêu từng khu vực, Điện lực Đơn Dương đã đăng ký nguồn vốn sửa chữa lớn và đầu tư xây dựng lưới điện trình cấp trên phê duyệt để thi công với nguồn vốn bình quân khoảng 3,5 tỷ đồng/năm. Nội dung chính là thay thế dây dẫn, phụ kiện từ dây trần sang dây bọc, đưa trạm biến áp vào trung tâm phụ tải, nâng cấp lưới điện từ 1 pha lên 3 pha và tăng cường công suất trạm biến áp công cộng.
 
Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó giám đốc Điện lực Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp, những thời điểm mùa khô, lượng điện năng tiêu thụ trên địa bàn rất lớn. Thời gian qua, Công ty luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nguồn điện một cách an toàn, tiết kiệm, bằng các hình thức, biện pháp phổ biến như: Sử dụng các thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại thay thế công nghệ cũ tiêu tốn nhiều điện năng, sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Cùng với đó hình thành thói quen không sử dụng điện vào các thời gian cao điểm nhằm giảm bớt chi phí sản xuất, góp phần chống quá tải cục bộ vào thời điểm mùa khô.
 
“Các đơn vị trực thuộc Công ty luôn tận dụng các cách thức để tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm như phát tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện cho người dân, mỗi CBCNV là một tuyên truyền viên tiết kiệm điện. Tận dụng mạng xã hội để chuyển tải thông tin, hình ảnh, các clip để hướng dẫn người dân tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn tiết kiệm điện”.
 
Bà Nguyễn Thị Kiêm tính toán: "Vào giờ cao điểm, lượng điện năng tiêu thụ cao hơn mức bình thường và giá bán điện có sự chênh lệch rất lớn so với giá bán điện giờ thấp điểm. Đơn cử, tại biểu giá bán lẻ điện kinh doanh, với mức điện áp dưới 6KV, giá bán điện vào giờ thấp điểm là 1.622 đồng/kWh thì giá cao điểm là 4.587 đồng/kWh. Như vậy, chi phí điện năng vào giờ cao điểm gấp 2,8 lần so với giá điện thấp điểm". 

Link gốc

Theo: Tiền Phong