Tìm cơ chế mới cho điện mặt trời

Thứ bảy, 5/1/2019 | 14:09 GMT+7
Để khắc phục tình trạng “bùng nổ" các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương đang nghiên cứu cơ chế mới nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ các dự án điện sạch này.


Một dự án điện mặt trời đang được lắp đặt tại Đa Mi, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận - Ảnh: TD

Doanh nghiệp kêu khó
 
Công ty CP điện gió Thuận Bình, được thành lập năm 2009, đang có kế hoạch mở rộng các dự án năng lượng tái tạo sang khu vực Tây Nguyên và Ninh Thuận. Mục tiêu tới năm 2030, công ty sẽ đầu tư khoảng 1.000 MW, trong đó 1/3 là điện gió và 2/3 là điện mặt trời.
 
Song, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Công ty cho hay, phát triển dự án năng lượng mặt trời đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khả năng dự đoán được mức giá mua điện mặt trời sắp tới. “Hiện nay, các dự án điện mặt trời của chúng tôi đang dừng lại để xem sau ngày 30-6-2019 giá điện mặt trời là bao nhiêu", ông Thịnh nói.
 
Bên cạnh đó, cái khó khi thực hiện các dự án năng lượng tái tạo là khả năng hấp thụ vào lưới điện hiện nay rất hạn chế. Cụ thể, đường dây truyền tải điện tại Phú Lạc chỉ có khả năng hấp thụ 100 MW. Song, các dự án đăng ký tại đây đã lên tới 400-500 MW. “Chắc chắn, điện lưới sẽ bị quá tải nếu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Chính phủ không có kế hoạch nâng cấp đường dây. Khi đó, nhiều dự án năng lượng tái tạo sẽ không thể đấu nối vào lưới điện”, ông Thịnh nêu quan ngại.
 
Giá mua điện mặt trời sẽ như thế nào sau tháng 6-2019 cũng như khả năng hấp thụ vào lưới điện đang là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời hiện nay.
 
Nhận thấy tiềm năng từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là từ năng lượng mặt trời, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách hấp dẫn nhằm kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, ban hành năm 2017, được cho là chính sách có sức hút nhất. Theo đó, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam).
 
Song, Quyết định 11 đã dẫn tới tình trạng “bùng nổ" các dự án điện mặt trời, gây áp lực lên lưới điện truyền tải.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hoàng Quốc Vượng, chỉ tính tổng công suất điện mặt trời do các doanh nghiệp trong nước đề xuất đã vượt quá kế hoạch đề ra trong Quyết định 428 của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam định hướng phát triển điện mặt trời đạt khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025.
 
Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8-2018, có 121 dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100 MW, tức cao gấp hơn 7 lần quy hoạch. Mới đây, Bộ Công Thương lại tiếp tục trình Chính phủ bổ sung 17 dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện. Điều này dẫn tới nhiều quan ngại sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề quá tải lưới điện hiện nay.
 
Nghiên cứu đấu giá dự án
 
Năm 2017, thời điểm Bộ Công Thương ban hành giá điện của các dự án điện mặt trời (FIT - Feed in Tariff) là 9,35 Uscents/kWh trong Quyết định 11, nhiều người trong ngành cho đây là hợp lý, thậm chí hơi thấp. Nhưng sau đó, giá thành điện mặt trời giảm mạnh, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.
 
Theo ông Vượng, mức giá này không phản ánh thực tế giá thị trường điện mặt trời hiện nay và sẽ phải điều chỉnh theo hướng giảm xuống.
 
“Chúng ta ban hành một mức giá cứng trong thời gian dài sẽ không còn phù hợp. Điều này dẫn tới sự phát triển quá nóng các dự án điện mặt trời, gây áp lực lên lưới điện và nhiều hệ lụy khác”, Thứ trưởng Vượng nói.
 
Theo điểm e, khoản 1, Điều 13 của Quyết định 11, Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp dụng cho giai đoạn sau ngày 30-6-2019. Theo đó, vị Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xem xét cơ chế đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Thông qua cơ chế này, giá điện của các dự án năng lượng tái tạo có thể phản ánh đúng giá thị trường vào thời điểm các dự án đang triển khai xây dựng, cũng như có đủ thời gian phát triển lưới truyền tải.
 
“Cơ chế mới có thể giải quyết hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo hệ thống có thể vận hành an toàn, tin cậy”, ông Vượng nói.
 
Theo quy định hiện nay, khi được lựa chọn, FIT là giá sẽ được áp dụng cho cả đời dự án, tức trong 20 năm. Với hình thức đấu giá đang được nghiên cứu, theo Thứ trưởng Vượng, giá trúng thầu cũng sẽ ổn định trong vòng 20 năm chứ không thay đổi hàng năm như nhiều nhà đầu tư lo ngại.
 
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề quá tải lưới điện, Bộ Công Thương đã báo cáo lên Thủ tướng đề nghị điều chỉnh tiến độ và bổ sung một loạt dự án đường dây và trạm 220 KV, 500 KV. Với những dự án mới này, Bộ Công Thương hy vọng có thể đáp ứng được công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở những khu vực có tiềm năng lớn như Bình Thuận, Ninh Thuận và một số địa phương khác.
 
Liên minh châu Âu (EU) đang có chương trình hỗ trợ Việt Nam 400 triệu euro trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020. Trong đó, ¾ khoản tiền nhằm hỗ trợ năng lượng, ¼ còn lại dành cho lĩnh vực khác. Tới nay, 100 triệu euro đã được giải ngân cho chương trình điện khí hoá nông thôn của Việt Nam.
 
Ông Koen Duchateau, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Hợp tác phát triển, phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho hay, trong gói tiếp theo, EU muốn tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, năng lượng gió, điện sinh khối. Bên cạnh đó, thông qua gói hỗ trợ này, EU mong muốn nâng cao khả năng tiết kiệm năng lượng, vì nếu sản xuất rất nhiều điện nhưng không được sử dụng và phân phối hiệu quả thì cũng không có nhiều ý nghĩa.
Theo: Kinh tế Sài Gòn Online