Hội thảo có sự tham gia của 23 chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắc Nông; đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung (A3).
Ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 cho biết, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm về sự phối hợp trong quản lý vận hành an toàn lưới điện truyền tải và nguồn điện năng lượng tái tạo giữa Công ty với Chủ đầu tư các Nhà máy năng lượng tái tạo, với các Trung tâm Điều độ trong tình hình hiện nay và các năm tiếp theo. Hội thảo cũng nhằm mục tiêu “Đảm bảo giải tỏa hết công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.
PTC3 được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 20 trạm biến áp (TBA) từ 220-500kV với tổng dung lượng máy biến áp (MBA) là 11.723 MVA và hơn 5.174 km đường dây; trong đó có 1939,2 km đường dây 500kV và 3234,8 km đường dây 220kV.
Theo ông Đinh Văn Cường, trong những năm qua, PTC3 đã có nhiều nỗ lực trong quản lý vận hành; ngăn ngừa, giảm thiểu sự cố lưới điện; tuân thủ các quy định của EVNNPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng và trong thời gian ngắn của các nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) trong khu vực, tính đến hết năm 2020, tổng công suất điện mặt trời (ĐMT) đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối của 9 Công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới gần 8.500 MW, chiếm 42% tổng công suất đặt nguồn điện khu vực.
“Với cơ cấu nguồn điện mặt trời trên lưới điện phân phối và lưới truyền tải rất lớn như vậy, trong thời gian qua, PTC3 gặp phải không ít khó khăn trong quá trình vận hành an toàn lưới điện truyền tải”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Trưởng phòng Điều độ PTC3 cho biết, cũng do tốc độ phát triển rất nhanh của các nguồn ĐMT trong thời gian ngắn đã làm cho một số đường dây 220kV, MBA 220kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai vận hành đầy tải, quá tải. Hiện nay, các Trung tâm Điều độ A0, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) đang phải áp dụng biện pháp kỹ thuật như thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện... để tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây 220kV còn non tải. Tuy nhiên, trong mùa khô, sau khi thay đổi kết dây vẫn còn xảy ra đầy tải, quá tải.
Để bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục, hàng năm các đơn vị truyền tải đã phải bố trí lịch cắt điện các đường dây, MBA, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ thiết bị. Tuy nhiên, để ưu tiên giải tỏa công suất từ các nguồn ĐMT, lịch cắt điện phải bố trí vào ban đêm khi điện mặt trời ngừng phát. Điều này gây ra một số nguy cơ như ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động khi phải làm việc vào ban đêm, trái với giờ sinh học, địa hình dọc hành lang rất phức tạp.
Qua những lần cắt điện làm đêm cho thấy tiềm ẩn rất cao nguy cơ xảy tai nạn lao động, đặc biệt là làm việc trên cao, trong điều kiện không đủ ánh sáng, mặc dù các đơn vị đã trang bị đèn pha chiếu sáng tại các vị trí làm việc, đèn chiếu sáng cá nhân. Bên cạnh đó, khó khăn trong việc quan sát, kiểm soát, phát hiện kịp thời các bất thường, chưa kể tăng chi phí quản lý vận hành…
Thời gian qua, PTC3 đã tăng cường tần suất kiểm tra, theo dõi thiết bị trạm biến áp; kiểm tra đường dây như đo nhiệt độ tiếp xúc lèo, mối nối và kiểm tra hành lang tuyến đường dây để kịp thời khắc phục, xử lý hiện tượng bất thường đảm bảo lưới điện không xảy ra sự cố.
Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện các đường dây vận hành đầy tải, quá tải như 271 Đa Nhim - 271 Đức Trọng, 272 Đức Trọng – 276 Di Linh, 271 Tuy Hòa – 271 Quy Nhơn, 272 Thiên Tân - 274 Nha Trang…; các MBA vận hành đầy tải, quá tải như AT1, AT2 trạm 500kV Pleiku 2; AT1, AT2 trạm 500kV Vĩnh Tân; AT1, AT2 trạm 500kV Đắk Nông…. Nhân viên vận hành các TBA căng thẳng do phải liên tục theo dõi tình trạng đầy tải, quá tải, phối hợp chặt chẽ với Điều độ viên các Trung tâm Điều độ A2, A3 báo cáo kịp thời Điều độ viên A0 điều chỉnh công suất phát của nguồn điện xử lý đầy tải, quá tải.