Thả rotor thủy điện Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngày 7/12/2015, tại công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Lai Châu trên sông Đà, đã tiến hành ngập nước hạ lưu tổ máy số 1. Ngày 8/12, ngập nước thượng lưu. Tổ máy số 1 NMTĐ Lai Châu sẵn sàng khởi động.
Trong gian máy, tổ máy số 1 đã được lắp đặt hoàn chỉnh, kỹ sư và công nhân Công ty lắp máy 10 (LILAMA 10) đang kiểm tra, bảo dưỡng lại lần cuối các chi tiết của tổ máy. Các phần việc thí nghiệm điện, hiệu chỉnh các thông số… được tiến hành cẩn trọng.
Hà Văn Cường, tổ trưởng tổ lắp máy 2 cho biết, các tấm tôn si-lích của Rô-to tổ 2 đã được làm vệ sinh xong, khung sườn của Stato tổ 2 đang được lắp đặt tại vị trí.
Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh, Anh hùng Lao động, chỉ huy trưởng công trường lắp máy khẳng định: sau khi Tổ máy số 1 đi vào vận hành, các tổ máy số 2 và 3 sẽ được khởi động theo đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo nhà nước.
Điểm nhộn nhịp bây giờ là việc xây dựng các kiến trúc cảnh quan bên ngoài nhà máy: thi công biểu tượng công trình, làm đường vào, lan can và hàng rào bảo vệ, hoàn thiện phần đỉnh đập thuỷ điện. Ở phần mái phía hạ lưu của đập, Dòng chữ "NHÀ MÁY THUỶ ĐIỆN LAI CHÂU” bằng thép, mỗi chữ cao 7m, đang được gắn vào thân đập. Trên đường vào nhà máy, những hàng cây trồng vào dịp cuối mùa mưa bắt đầu bén rễ, lên xanh.
Thật là vui khi ở khu vực hoàn thiện nhà máy, tôi gặp lại Nguyễn Văn Quân, thợ hàn bậc 7/7 , đội trưởng đội xây lắp chi nhánh Sông Đà 6.04. Chúng tôi đã trò chuyện cùng nhau ở công trường thi công đập thuỷ điện Sơn La.
Tôi nhớ nhất câu chuyện của anh về chăm ông cụ thân sinh ốm nặng. Biết cụ không qua khỏi, nhưng công trường đang quá cần người, nên anh đành gạt nước mắt từ biệt bố để rồi một thời gian sau, được tin cụ qua đời giữa một ca trực.
Gặp nhau lần này, tôi hỏi: “Sắp tới Quân sẽ đi đâu?”.-“ Lên xây dựng một NMTĐ ở khu vực Vị Xuyên Hà Giang ạnh ạ. Giám đốc chi nhánh cùng phần lớn anh em đang ở trên ấy rồi.”
“Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cảnh quan sẽ như một công viên”-kỹ sư Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án NMTĐ Sơn La gặp chúng tôi ở công trường hồ hởi nói. Tôi nhận xét:” so với Tổ 1 Sơn La, có vẻ ở Lai Châu mọi việc đỡ ”cập rập” hơn?”.-“Vâng, đúng như vậy. Khi phát điện vào nửa cuối của tháng 12/2015, tổ máy số 1 Lai Châu hoàn thành sớm hơn dự kiến khoảng 3 tháng.”
“Máu mê nghề nghiệp” nổi lên, dù đang ở ngoài công trường, chúng tôi hỏi luôn: “Vậy sẽ làm lợi được bao nhiêu tiền?” Phương trả lời ngay: “Nếu tính đến cả việc tổ máy 2 và 3 phát điện sớm hơn (vì tổ 1 phát sớm) và phần làm lợi cho bậc thang Sơn La, thì khoảng 3.300 tỉ đồng.”
Kỹ sư trẻ vận hành trên công trường thủy điện Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Là người có may mắn được chứng kiến và phản ánh việc xây dựng các NMTĐ Hoà Bình và Sơn La, và nay là Lai Châu, tôi thường được cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân trên công trường chia sẻ những câu chuyện “thú vị”.
Với Lai Châu, “thú vị" nhất có lẽ là việc công trường xây dựng hoàn toàn nằm trong lòng hồ thuỷ điện Sơn La . Vì vậy phải hoàn thành các hạng mục dẫn dòng thi công trước tháng 4/2011 (trước khi NMTĐ Sơn La tích nước hồ chứa).
Việc thi công hố móng đập và nhà máy… rồi đắp đập thuỷ điện, xây dựng nhà máy phải vượt trước mức nước dâng hàng tháng của hồ thuỷ điện Sơn La…
Còn câu chuyện thứ hai thì thực ra cũng chẳng thú vị gì, nhưng cũng nên nói ra là “tầng phủ” rất dày ở khu vực hố móng kênh dẫn dòng, đập tràn xả lũ, đập thuỷ điện, nhà máy... đòi hỏi một lượng xe máy thi công và cường độ lao động rất lớn.
Chuyện thứ ba là việc công trường ở khu vực vốn thuộc huyện Mường Tè, nơi mùa khô chỉ có gần 3 tháng, là nơi có lượng mưa lớn nhất cả nước, địa chất rất phức tạp, khó thi công hơn so với thuỷ điện Sơn La… thoạt nghe đều thấy lo cho những người xây dựng quá…
Từ đó dẫn tới việc tuy NMTĐ Lai Châu có 3 tổ máy (công suất 400MW/tổ) bằng một nửa thuỷ điện Sơn La, nhưng về khối lượng đào đắp đất đá, đổ bê tông gia cố… cũng xấp xỉ công trường xây dựng NMTĐ Sơn La.
Vậy mà các phần việc chính trên công trường như ngăn sông đợt 1 đợt 2, đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa, thả Rô-to tổ máy số 1… đều đúng mục tiêu tiến độ đặt ra, để đến nay NMTĐ Lai Châu phát điện tổ máy số 1 trước tiến độ 3 tháng.
Có được kết quả này, ngoài lao động quả cảm, sáng tạo và tự giác của tập thể cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân viên trên công trường cũng cần phải nói tới quyết định sáng suốt của Chính phủ khi giao việc xây dựng NMTĐ cho Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La và các Tổng công ty xây dựng đã tham gia xây dựng NMTĐ Sơn La do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu.
Thủy điện Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong câu chuyện với kỹ sư Vũ Hồng Trường, Giám đốc Ban điều hành tổng thầu dự án thuỷ điện Lai Châu, được anh cho biết cả hai Ban trên công trường đều đã thống nhất đề nghị tuyên dương danh hiệu thi đua “Anh hùng Lao động” cho một tập thể và một cá nhân (đều thuộc Tổng công ty Sông Đà) và huân chương Lao động các hạng, và một số hình thức khen thưởng khác cho một số tập thể và cá nhân thuộc cả hai Ban của công trường. Đồng thời,sẽ tiến hành tổng kết phong trào thi đua thời gian qua.
Tôi chia sẻ cùng anh: “Điều tiếc nhất là việc không đặt tên cho Công trường xây dựng NMTĐ Lai Châu là “Công trường Thanh niên cộng sản”. Bởi trên công trường này, đa phần lực lượng đã là “thế hệ thứ 4” kế tục sự nghiệp làm ra dòng điện cho Tổ quốc của người thợ Sông Đà”.
Chính thức khởi công ngày 5/11/2011, đến nay NMTĐ Lai Châu đã hoàn thành việc xây dựng tổ máy số 1. Theo dự kiến, trong năm 2016, tháng 7 phát điện tổ máy số 2, tháng 10 phát điện tổ máy số 3, hoàn thành toàn bộ nhà máy sớm hơn dự kiến 12 tháng.
Kỹ sư Phạm Hồng Phương xác nhận với chúng tôi tiến độ này và cho biết thêm: các thiết bị của tổ máy số 2 và số 3 đã về đến Việt Nam. Một số nằm tại cảng Hải Phòng, một số nằm ở cảng Hoà Bình, Sơn La…và sẽ được vận chuyển về công trường đúng tiến độ.
Phạm Hồng Phương còn chia sẻ thêm niềm vui: khi xây dựng NMTĐ Lai Châu, dự án còn hoàn thành một loạt các cơ sở hạ tầng cho một khu dân cư đông đúc bao gồm đường giao thông, bệnh viện, trường học… hệ thống bưu chính- viễn thông hiện đại. Chỉ sau mấy năm, tình hình kinh tế xã hội ở khu vực quanh Nậm Hằng thay đổi hẳn. Từ thực tế này, tỉnh Lai Châu đã quyết định thành lập một huyện mới: huyện Nậm Nhùn tách ra từ huyện Mường Tè. Một thị trấn mới hình thành: thị trấn Nậm Hàng, nơi đặt các cơ quan của huyện mới Nậm Nhùn.
Chiều 4/12, khi những cơn gió mùa đông bắc tràn về, mặt nước hồ sông Đà phía thượng lưu in bóng núi đen thẫm, tôi đứng trên đỉnh đập của nhà máy, bâng khuâng tự hỏi: bây giờ những người bạn Sông Đà của mình đang ở đâu?