Tin trong nước

Tổng Công ty Điện lực miền Nam: Nỗ lực “xóa” vùng “lõm” về điện

Thứ ba, 7/11/2017 | 15:53 GMT+7
Cùng với các dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang nỗ lực đưa điện về các vùng “lõm”, vùng sâu góp phần phát triển kinh tế địa phương và cải thiện đời sống người dân.
Công nhân phải dùng sức người để vận chuyển vật tư thiết bị đến nơi thi công.
 
Điện đến với vùng sâu
 
Cù Lao Dung là huyện có địa thế nằm riêng biệt trên cù lao ở sông Hậu, tỉnh Sóc Trăng. Trước đây chỉ có một đường dây trung thế độc đạo vượt sông. Do đó, mỗi khi có sự cố trên đường dây sẽ dẫn đến mất điện toàn huyện. Những năm gần đây nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh nên nhu cầu điện tại đây tăng cao.
 
Để đáp ứng nhu cầu điện của Cù Lao Dung, EVN SPC đã xây dựng và đóng điện công trình trạm biến áp 110kV Cù Lao Dung và đường dây Trần Đề - Cù Lao Dung. Công trình có chiều dài đường dây cao áp 5,6km với 17 vị trí móng trụ; công suất của trạm 2x40MVA. Công trình hoàn thành đáp ứng nhu cầu phụ tải của huyện Cù Lao Dung, đảm bảo cung cấp đủ nguồn, chất lượng điện được nâng lên.
 
Ông Trà Sết - lão nông ở Cù Lao Dung - bày tỏ niềm vui: “Có thêm trạm điện và đường điện bà con xứ mình phấn khởi lắm, yên tâm đủ điện nuôi tôm”.
 
Ở Cù Lao ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên có nhiều hộ nghèo, dân cư thưa thớt, giao thông cách trở, việc cấp điện cho các hộ dân từ điện lưới quốc gia luôn gặp nhiều trở ngại như: Vận chuyển vật tư, thiết bị khó khăn, do phương tiện cơ giới không thể tiếp cận, phải dùng xuồng và sức người khiêng vác để đưa đến nơi thi công, dùng các biện pháp thủ công để trồng trụ, kéo dây… Không để những người dân nghèo thiếu điện, những người thợ điện Long Xuyên đã vượt khó hoàn thành công trình cấp điện lưới quốc gia đến với từng hộ gia đình ấp Mỹ Thạnh, giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nghèo trong ấp.
 
Giúp thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
 
5 xã vùng sâu của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng gồm: Ninh Loan, Đà Loan, Tà Hine, Tà Năng và Đa Quyn, trong đó xã Ninh Loan là một trong những vùng xa nhất. Trước đây, người dân Ninh Loan chuyên canh tác cà phê, và lúa nước nhưng từ khi có nguồn điện ổn định đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thu được kết quả khả quan.
 
Ông Hoàng Ngọc Nam - xã Ninh Loan - chia sẻ, bà con ở vùng đất này dường như yên phận với cây rau màu, cây cà phê do nơi đây ở khá xa so với trung tâm, bên cạnh đó, điện đường cũng chưa được đầu tư đúng mức nên người dân còn e dè. Nhờ có Dự án Điện Tây Nguyên, điện lưới quốc gia được kéo về tận xã, người dân đã mạnh dạn hình thành một tổ hợp tác trồng rau, hoa công nghệ cao, với 1,4ha nhà kính. Trồng rau công nghệ cao theo hợp đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt cho nông dân trong xã.
 
Xóm “Ốc đảo”thuộc khóm 7, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có 30 hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi thủy sản và đi biển. Ông Thạch Văn Thái - Trưởng Ban nhân dân khóm 7 - cho biết, trước đây nghề nuôi thủy sản chỉ vài ba hộ nhỏ lẻ. Từ khi có điện đã hình thành vùng nuôi thủy sản rộng lớn, năng suất, hiệu quả tăng rõ rệt, đời sống của người dân cũng được nâng cao.

Đồng bằng sông Cửu long với đặc thù sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng ghe; nhiều khu vực còn hạn chế do phụ thuộc vào mực nước thủy triều nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, vận hành, kinh doanh mua bán điện trên địa bàn.

Theo: Báo Công thương