Trạm quan trắc môi trường nước bằng năng lượng mặt trời “Made in Viet Nam”.
TS Nguyễn Hoài Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) cho biết, có một thực tế không riêng Đà Nẵng mà trên phạm vi cả nước, các giải pháp quan trắc môi trường phần lớn nhập ngoại với giá thành rất cao. Hơn nữa, các giải pháp này được phát triển và đóng gói bởi đội ngũ kỹ sư nước ngoài, khi áp dụng vào thực tiễn môi trường Việt Nam, có nhiều điểm không phù hợp về quy trình nghiệp vụ, song lại không thể điều chỉnh, tùy biến; hoặc chi phí tùy biến rất cao. Xuất phát từ thực tế này, các kỹ sư ở CENTIC đã quyết định phải nghiên cứu, chế tạo sản phẩm giám sát môi trường công nghệ cao nội địa hóa.
Trạm quan trắc môi trường nước do CENTIC nghiên cứu thiết kế, chế tạo có hình dáng phao nổi (được chế tạo với kiểu dáng đẹp, thân thiện với môi trường), phao linh hoạt, dễ dàng di chuyển đến các vị trí quan trắc khác nhau khi cần. Các thông số đo khác nhau có thể được lựa chọn và thay đổi linh hoạt, tùy nhu cầu thực tế tại vị trí quan trắc, ví dụ: Oxy hòa tan, PH, ORP, độ dẫn điện, độ đục, clo, nhiệt độ, hàm lượng chất rắn lơ lửng...
Là trạm quan trắc mô hình phao nổi (được neo, thả nổi trên mặt nước), sản phẩm của CENTIC được nghiên cứu chế tạo còn có khả năng chịu tác động thời tiết khắc nghiệt (nắng, mưa, gió mạnh), chống chịu ăn mòn, hoạt động bền bỉ, và tự cung cấp năng lượng (phía trên phao nổi được gắn các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện năng cho các thiết bị điện tử hoạt động...).
Phía dưới phao nổi có gắn các cảm biến. Bên trong phao nổi được đặt các bảng mạch điện tử để xử lý tín hiệu từ cảm biến truyền về, xử lý dữ liệu, truyền dữ liệu về Trung tâm giám sát và điều khiển bằng tin nhắn SMS hoặc đường truyền dữ liệu GPRS/3G.
Hệ thống tích hợp sẵn chức năng sao lưu, bảo toàn dữ liệu khi mất nguồn điện. Các dữ liệu này sẽ tự động phục hồi khi có điện trở lại.
Bên cạnh đó, có chức năng ghi chép lưu trữ dữ liệu. Người vận hành, cán bộ, chuyên viên có trách nhiệm về thủy văn có thể tìm lại dữ liệu trong quá khứ cho việc đối chứng, dự phòng.
Hệ thống còn tích hợp các thiết bị điện tử và cơ khí do CENTIC thiết kế để định kỳ tự động làm sạch các cảm biến, khiến cho việc vận hành phao quan trắc rất đơn giản, không tốn kém nhiều chi phí và công sức để vận hành, bảo dưỡng.
Thiết bị quan trắc môi trường này đã được TP Đà Nẵng đưa vào thử nghiệm tại hồ Thạc Gián (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) từ tháng 12/2016. Với hệ thống giám sát chất lượng nước bằng công nghệ tự động này, người dân và nhà quản lý có thể dễ dàng trực tiếp theo dõi chất lượng nước tại hồ.
Đây là sản phẩm của Nhóm kỹ sư Phạm Quốc Toản, Nguyễn Trọng Hải và Đỗ Hữu Tín, là các kỹ sư thiết kế hệ thống nhúng của CENTIC. Hầu hết toàn bộ sản phẩm trạm quan trắc nước gồm phần vỏ, thiết bị điều khiển, thiết bị thu thập dữ liệu, thiết bị truyền dữ liệu và trung tâm điều hành đi kèm đều được nghiên cứu chế tạo bởi CENTIC. Riêng phần cảm biến được gắn trên phao là phải nhập từ các Tập đoàn có uy tín trên thế giới vì công nghệ của Việt Nam chưa sản xuất được.
“Theo tính toán, chi phí để xây dựng và phát triển một Trạm quan trắc môi trường nước với công nghệ của CENTIC là khoảng 1,5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/2 số tiền bỏ ra để đầu tư công nghệ nước ngoài. Hơn nữa, hệ thống này còn có ưu điểm nổi bật so với các thiết bị ngoại nhập là làm việc hoàn toàn tự động ghi nhận số liệu quan trắc (do các cảm biến thực hiện công việc đo) mà không cần xây dựng các trạm quản lý”- TS Nguyễn Hoài Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) cho biết thêm.
Sau thử nghiệm thành công tại hồ Thạc Gián, sắp tới, CENTIC sẽ triển khai lắp thêm 8 trạm quan trắc môi trường nước đặt tại những khu vực thường xuyên xảy ra các sự cố ô nhiễm, cá chết… trên địa bàn thành phố. Sau đó, sẽ bàn giao toàn bộ hệ thống cho Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng quản lý, giám sát.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với năng lực đáp ứng của hệ thống này, các số liệu quan trắc sẽ là nguồn thông tin quan trọng làm cơ sở phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề môi trường; đánh giá được hiện trạng môi trường. Đồng thời, kết quả quan trắc cũng là nguồn thông tin chính xác để ngành môi trường thành phố có các biện pháp xử lý đảm bảo môi trường nước, hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành TP Môi trường vào năm 2020.