Việc Trung Quốc dự định xây đập thủy điện trên sông Brahmaputra đã khiến Ấn Độ lo ngại.
Kênh Al Jazeera cho biết sông Brahmaputra cũng chảy qua Trung Quốc và mang tên Yarlung Tsangpo. Con sông này từ Tây Tạng vào bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và tới cả Bangladesh.
Ngày 30/11, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này có kế hoạch xây đập thủy điện 60 GW trên một đoạn sông Yarlung Tsangpo (Brahmaputra). Quan chức Ấn Độ lo ngại rằng dự án đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Brahmaputra có thể dẫn đến khan hiếm nước hoặc lũ quét.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 1/12 dẫn lời ông TS Mehra tại Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ cho biết: “Điều cần thiết bây giờ là xây đập thủy điện lớn tại bang Arunachal Pradesh để giảm thiểu tác động của dự án ở Trung Quốc. Đề xuất của chúng tôi đang được cân nhắc ở cấp cao nhất trong chính phủ”. Theo ông TS Mehra, Ấn Độ dự định tạo nguồn trữ nước khổng lồ để bù đắp cho tác động từ đập thủy điện Trung Quốc định xây với dòng nước sông Brahmaputra.
Trong thời gian qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra bất đồng tại khu vực biên giới. Ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột này. Phía Trung Quốc chưa công bố thương vong sau vụ việc. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau xâm phạm lãnh thổ.
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng việc xây đập trên sông Brahmaputra có thể dẫn đến căng thẳng khác giữa hai nước láng giềng khi dự án thi công đập thủy điện của Trung Quốc tiến gần đến biên giới với Ấn Độ.
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc – ông Yan Zhiyong khi phát biểu tại một hội thảo đã đánh giá việc xây đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo là “cơ hội lịch sử”.
Ông Sayanangshu Modak tại Quỹ Nghiên cứu Observer trụ sở ở New Delhi đánh giá Ấn Độ sẽ lo ngại nếu Trung Quốc xây đập thủy điện quanh đoạn khúc uốn cong của sông Yarlung Tsangpo trước khi vào biên giới Ấn Độ, khu vực con sông này nhận lượng nước quan trọng. Ông Sayanangshu Modak đồng thời nhận định khu vực này bất ổn về mặt địa lý và việc xây đập thủy điện sẽ có nhiều khó khăn.
Tổng thư ký Tổ chức vận động vì môi trường Riverine People tại Bangladesh – ông Sheikh Rokon cho rằng cần tổ chức trao đổi đa quốc gia trước khi Trung Quốc xây bất cứ đập nào trên sông Brahmaputra.
Các dự án thủy điện trên những con sông lớn chảy qua nhiều nước tại châu Á đã gây ra tranh cãi trong thời gian qua. Theo Al Jazeera, Trung Quốc đã vấp phải cáo buộc rằng những đập thủy điện nước này xây trên sông Mekong khiến tình trạng khô hạn tồi tệ hơn ở những quốc gia hạ lưu. Bắc Kinh đã phủ nhận điều này.
Theo: Báo Tuổi trẻ