Theo SCMP, một nhà khoa học kỳ cựu Trung Quốc vừa tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng, theo đó sử dụng tên lửa siêu nặng để xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trong không gian. Ông ví dự án này như "một công trình Đập Tam Hiệp bên ngoài Trái đất".
Ảnh minh họa: scmp.com
Các trạm quang năng ngoài không gian sẽ thu thập năng lượng từ mặt trời ngay trên quỹ đạo Trái đất và truyền về mặt đất, cung cấp điện liên tục. Trong giới khoa học quốc tế, đây được coi là "Dự án Manhattan" của ngành năng lượng. Ưu điểm của các trạm này là có thể thu thập năng lượng mà không bị ảnh hưởng bởi mùa hay chu kỳ ngày đêm. Hơn nữa, mật độ năng lượng ở không gian cao hơn nhiều - gấp khoảng 10 lần so với trung bình trên bề mặt Trái đất.
"Chúng tôi đang thực hiện dự án này. Nó quan trọng không khác gì việc đưa đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái đất 36.000 km. Đây là một dự án phi thường đáng mong đợi", ông Long Lehao, nhà khoa học tên lửa kiêm thành viên Viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) cho biết.
"Hãy tưởng tượng việc lắp đặt một dãy pin năng lượng mặt trời rộng 1km dọc theo quỹ đạo địa tĩnh 36.000km", ông Long nói thêm trong bài giảng tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) hồi tháng 10.
Đập Tam Hiệp ở miền Trung Trung Quốc hiện là công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Nằm ở trung lưu sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc, đập có công suất phát điện hàng năm khoảng 100 tỷ kWh.
Link gốc
Theo: Báo Tin tức