Truyền tải điện Gia Lai: Ứng dụng công nghệ - giảm suất sự cố

Thứ sáu, 5/8/2022 | 10:07 GMT+7
Trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” năm 2022, thời gian qua Truyền tải điện (TTĐ) Gia Lai, thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ khoa học tiên tiến vào công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định và giảm suất sự cố.
 

Sử dụng Flycam phát hiện vị trí tưa dây trên đường dây 500 kV 575 Pleiku - 572 EaNam.
 
Một trong các giải pháp đó là sử dụng Máy dò kỹ thuật số MPL – H11S. Đây là thiết bị công nghệ tiên tiến để dò tìm, kiểm tra phát hiện các khiếm khuyết của hệ thống tiếp địa bảo vệ chống sét trên hệ thống đường dây truyền tải điện (dây tiếp địa bị đứt, không đủ chiều dài, chôn lấp không đủ độ sâu, …) mà bằng mắt thường của người công nhân không thể phát hiện được. 
 
TTĐ Gia Lai đã dò tìm, kiểm tra trên toàn bộ các xuất tuyến đường dây 500 kV và 220 kV do đơn vị quản lý và đã phát hiện được nhiều khiếm khuyết của hệ thống tiếp địa. Từ kết quả kiểm tra đó, đơn vị đã tập trung nhân lực, phương tiện triển khai xử lý ngay những khiếm khuyết đã phát hiện được, cụ thể: Xử lý độ chôn sâu tia nối đất không đạt yêu cầu tại 13 vị trí; Xử lý hướng đi các tia tiếp địa gần nhau, chồng chéo nhau, bố trí tia tiếp địa bất đối xứng dẫn đến hiệu quả tản sét kém tại 50 vị trí; Xử lý tia bị đứt, ăn mòn tại 12 vị trí; Dò tìm để hoàn công lại hệ thống tiếp địa tại 46 vị trí. Trong đó, tiến hành đào những vị trí dây tiếp địa bị đứt và hàn lại; thay mới các dây bị rỉ, sét; tăng cường thêm các dây tiếp địa ở những vị trí trị số điện trở tiếp địa không đạt; đào đất để chôn lại các dây tiếp địa trước đây chôn không đủ độ sâu theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật… 
 

Sử dụng Máy dò kỹ thuật số MPL - H11S.
 
Ông Nguyễn Viết Trị, Phó Phòng Kỹ thuật TTĐ Gia Lai, cho biết: Nhờ sử dụng Máy dò kỹ thuật số MPL – H11S, đơn vị đã nhanh chóng xử lý hoàn thành các khiếm khuyết của tiếp địa bảo vệ chống sét trên toàn bộ các xuất tuyến đường dây 500 kV, 220 kV do đơn vị quản lý. Giải pháp trên bước đầu đã đem lại hiệu quả, số vụ sự cố do sét trên các xuất tuyến đường dây đã giảm rõ rệt. Tính đến hết tháng 7 năm 2022, các đường dây do Đơn vị quản lý vận hành không để xảy ra sự cố do sét, hệ thống làm việc ổn định, cung cấp điện an toàn, liên tục hơn.
 
Công việc này nếu làm theo cách truyền thống trước đây người công nhân đi kiểm tra bằng mắt thường thì không thể nào phát hiện ra những vị trí tiếp địa trụ điện bị khiếm khuyết và nếu sử dụng các dụng cụ đo thông thường để kiểm tra cũng khó nhận biết nguyên nhân do đâu. Do vậy muốn kiểm soát thì phải đào đất dọc theo các tia tiếp địa để dò tìm, kiểm tra lỗi …mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều công sức của người công nhân mà hiệu quả rất thấp, vấn đề sự cố đường dây do sét vẫn không giải quyết được.
 
Ông Nguyễn Viết Trị cho biết thêm: Từ đầu năm 2022 đến nay, Đơn vị cũng đã tăng cường sử dụng Flycam để kiểm tra tình trạng dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang, phụ kiện…qua đó đã phát hiện và kịp thời xử lý một số vụ việc có khả năng cao ảnh hưởng đến vận hành an toàn của lưới điện. Trong đó nổi bật nhất là phát hiện dây dẫn bị tưa đứt một số sợi tại khoảng cột 130 – 131 đường dây 500 kV 575 Pleiku – 572 EaNam; phát hiện dây diều bám trên đường dây 220 kV Pleiku – NMĐ Sinh khối An Khê, … Ngay sau khi phát hiện, đơn vị đã chủ động đăng ký xử lý, tránh được nguy cơ sự cố có thể xảy ra. 
 
Trên cơ sở những kết quả đã đạt, trong thời gian tới TTĐ Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm góp phần hiện đại hóa công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện, xây dựng và phát triển lưới điện thông minh và đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, ổn định, tin cậy.
Trịnh Văn Hải