Phối hợp với Công an xã Đồng Tân tuyên truyền cho người dân tại xóm Bâng về công tác đảm bảo an toàn lưới điện.
Cho những dòng điện được nối dài
Truyền tải điện Hòa Bình đang quản lý vận hành lưới truyền tải quốc gia với 3 tuyến đường dây 500kV,13 tuyến đường dây 220 kV và 03 TBA 220 kV-500kV. Lưới đường dây truyền tải thuộc TTĐ Hòa Bình quản lý với 325,8 km đường dây 500kV và 576,7km đường dây 220 kV với tổng số 1.360 vị trí cột.
Địa hình phần lớn đi qua khu vực đồi núi cao hiểm trở, các đường dây trải rộng trên địa bàn trên 100 xã/phường /thị trấn thuộc 8 huyện/thành phố của tỉnh Hòa Bình, huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, huyện Chương Mỹ và Quốc Oai của TP. Hà Nội, huyện Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Đây là tuyến đường dây “huyết mạch” của hệ thống điện quốc gia. Nên công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện luôn là nhiệm vụ được PTC1 và TTĐ Hòa Bình đặt lên hàng đầu.
Theo ông Đinh Sỹ Chung- Đội trưởng Đội TTĐ Mai Châu cho biết, khối lượng đường dây do đội TTĐ Mai Châu quản lý đi qua địa bàn các huyện Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa, huyện Tân Lạc và Mai Châu của tỉnh Hòa Binh có địa hình hết sức khó khăn và phức tạp với trên 95% vị trí cột đều nằm ở các đỉnh, sườn núi cao, thảm thực vật dày nên không chỉ có nguy cơ sạt lở khi mùa mưa bão đến mà còn rất dễ cháy vào mùa nắng nóng, đặc biệt là hoạt động đốt rừng làm nương rẫy của bà con người dân địa phương.
Phối hợp với lực lượng công an đi kiểm tra an HLATLĐ tại vị trí cột 368 tuyến ĐZ 500 kV Sơn La- Hòa Bình- Nho Quan.
Riêng địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có 37 vị trí cột ĐZ 500kV của cả hai mạch, 54 vị trí cột ĐZ 220kV đi qua địa bàn 7 xã, thị trấn trong đó có xã Đồng Tân là một trong những địa bàn đáng quan tâm về tình hình an ninh lưới điện.
Trong những năm qua, hệ thống lưới điện cao áp đi qua Mai Châu chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng xâm hại đến an ninh, an toàn hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia. Công tác phát dọn cây, thảm thực vật có nguy cơ gây cháy được những người thợ TTĐ Hòa Bình thực hiện thường xuyên, liên tục. Đi cùng với đó là công tác phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư nơi có hệ thống lưới điện đi qua cũng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, nhằm chủ động, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn hệ thống lưới điện, ngày 20/4/2022 vừa qua TTĐ Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới truyền tải điện quốc gia trên địa bàn huyện Mai Châu.
Trong đó, tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ an ninh chính trị, an toàn ngành điện; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an toàn hệ thống lưới điện trên địa bàn.
Theo thống kê sơ bộ những năm gần đây cho thấy đã có nhiều sự cố về điện để lại hậu quả nặng nề, đơn cử như: Ngày 12/12/2019 tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, Hòa Bình trèo lên cột điện bị điện phóng chết; Ngày 02/06/2020 học sinh trèo lên cột bắt tổ chim bị điện cao thế phóng bỏng nặng tại Điện lực Lai Châu…
Đặc biệt và gây hậu quả lớn thiệt hại hàng nhiều nghìn tỉ đồng đó là vụ sự cố mất điện toàn miền nam Việt Nam diễn ra từ lúc 14 giờ ngày 22 tháng 5 năm 2013 (do trồng cây cao, chặt và vận chuyển cây gần hành lang ĐZ 500kV Di Linh - Tân Định bị phóng điện từ điện áp 500kV làm 22 tỉnh thành miền Nam Việt Nam bị mất điện trong nhiều giờ. Sự cố này cũng gây mất điện một số khu vực tại quốc gia láng giềng.
Đây là sự cố điện xảy ra gây ảnh hưởng với quy mô lớn trên diện rộng chưa từng có trong vòng 100 năm qua ... Vụ cháy rừng gây sự cố cho đường dây Truyền tải điện cụ thể như vụ cháy ngày 06/04/2020 vụ cháy rừng tràm thuộc xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Lâm Đồng gây sự cố ĐZ 500kV Phú Lâm – Cầu Bông…
Ông Nguyễn Văn Giang- Giám đốc TTĐ Hòa Bình - cho biết: Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và hạn chế tối đa các sự cố về điện thì công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp không chỉ có sự nỗ lực của ngành điện mà phải cần có sự chung tay của người dân, các tổ chức cũng như chính quyền địa phương các cấp.
Chúng tôi xác đỉnh rõ ràng rằng chính người dân là những người bảo vệ tốt nhất cho lưới truyền tải được vận hành an toàn. Ví dụ khi có sự cố hoặc biểu hiện mất an toàn thì thông tin của họ rồi thông báo của họ mới là chính xác trung thực nhất”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Cũng theo ông Nguyễn Văn Giang thì những năm qua, TTĐ Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hành lang an toàn lưới điện, đã chặt hạ hàng nghìn cây cao vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây, yêu cầu nhân dân không đốt nương làm rẫy ở trong và gần hành lang hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia 220kV, 500kV.
Hiện chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân và các em học sinh hiểu được chủ trương chính sách của đảng và nhà nước cũng như nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia và tính mạng của người dân để người dân tự nguyện /đồng ý không đốt rừng làm nương, không trồng cây cao vào khu vực HLATLĐ và báo ngay cho chúng tôi hoặc chính quyền địa phương về các nguy cơ gây mất an toàn cho lưới điện quốc gia.
“Bên cạnh đó nhằm nâng cao công tác quản lý cũng như kịp thời phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho hành lang lưới điện TTĐ Hòa Bình cũng đã ứng dụng các phần mềm quản lý hồ sơ, sử dụng công nghệ thiết bị bay không người lái UAV có gắn camera kiểm tra thiết bị đường dây, kiểm tra các khu vự có nguy cơ sạt lở trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình chia cắt không tiếp cận được với vị trí cột; Lắp đặt các camera trên cột tại các khu vực có nguy cơ gây sự cố cho đương dây như khu vực có công trường thi công, khu vực thường xuyên có phong chào chơi thả diều, khu vực có nguy cơ sạt lở, cháy rừng,… để cảnh báo với đơn vị có biện pháp xử lý đảm bảo đường dây vận hành an toàn cung cấp điện’, ông Giang chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Quang Dũng- Phó phòng an ninh kinh tế, Công an tỉnh Hòa Bình khẳng định, việc bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện đi qua các địa phương của tỉnh Hòa Bình đã được chúng tôi triển khai nhiều nội dung như: Chỉ đạo công an tại các huyện, xã và phối hợp với TTĐ Hòa Bình tham gia kiểm tra, tuyên tuyền đến từng hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của hàng lang lưới điện, thông tin tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh của các thôn, xóm có đường dây truyền tải đi qua cũng như lồng ghép vào các hội nghị đoàn thể tại các thôn, xóm để tuyên truyền đến người dân. Nhờ đó những vi phạm của người dân như đốt rừng làm nương rẫy, thả diều… đã không xảy ra.
Bà Ngần Thu Hà- Hiệu trưởng Trường tiểu học, trung học cơ sở Đồng Bảng xã Đồng Tân, huyện Mai Châu - cho biết: Trong nhiều năm qua nhà trường đã có những hoạt động cụ thể đồng hành cùng chính quyền địa phương và TTĐ Mai Châu tổ chức các buổi tuyên truyền đến các em học sinh về những hành vi gây mất an toàn hành lang lưới điện. Thông qua các buổi tuyên truyền nhà trường đều yêu cầu các em học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên tại gia đình mình và tuyên truyền đến người thân và những người xung quanh mình những vấn đề liên quan đến mất an toàn hành lang lưới điện.
Xác định tầm quan trọng của lưới truyền tải điện quốc gia, ngày 04/12 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1944/QĐ-TTg đưa Hệ thống Truyền tải điện 500kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là cơ sở để các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội cùng chung tay với ngành điện để bảo vệ HLATLĐ.
Link gốc