Chuyển đổi số trong EVN

Truyền tải điện Phú Yên ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả hoạt động

Thứ năm, 18/3/2021 | 08:48 GMT+7
Xác định KH-CN là đòn bẩy giúp nâng cao năng suất lao động, tạo sự phát triển bền vững, thời gian qua, Truyền tải điện Phú Yên (thuộc Công ty Truyền tải điện 3) đã áp dụng kết quả nhiều đề tài, giải pháp KH-CN để nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện.
 
Nhân viên Truyền tải điện Phú Yên điều khiển flycam để kiểm tra đường dây điện. Ảnh: THÁI HÀ
 
Cụ thể, Truyền tải điện Phú Yên đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ mới để quản lý, vận hành lưới điện, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, bảo đảm lưới điện truyền tải vận hành ổn định, an toàn, liên tục.
 
Áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến
 
Đường dây Bắc - Nam là trục huyết mạch của lưới điện truyền tải quốc gia và Truyền tải điện Phú Yên có nhiệm vụ quản lý phần đường dây ngang qua địa phận của tỉnh. Tuy nhiên, đây là đường dây có nhiều nguy cơ mất an toàn do sứ cách điện dễ bị nhiễm bẩn, dẫn đến phóng điện, gây ra các sự cố về điện.
 
Trước đây, để làm sạch sứ cách điện, Truyền tải điện Phú Yên phải đăng ký cắt điện đường dây, sau đó cho công nhân làm vệ sinh thủ công từng bát sứ một. Việc vệ sinh thủ công này tốn kém, tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động, gây bất lợi cho quá trình vận hành hệ thống và làm gián đoạn cung cấp điện.
 
Nhận thấy những khó khăn của cách làm này, năm 2010, kỹ sư Nguyễn Văn Xuân, người con của đất Phú Yên, nguyên Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3, đã chủ trì thực hiện đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải (220kV, 500kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao”.
 
Những người thực hiện đề tài tiến hành khử ion theo công nghệ mới để nước không còn khả năng dẫn điện, sau đó cho vào bồn chứa và bắn lên theo vòi nước với áp lực cao 70-100kg/cm2 để rửa sạch bụi bẩn. Đề tài thành công đã giúp cho người quản lý vận hành lưới điện truyền tải chủ động thời gian vệ sinh cách điện nhiễm bẩn, giảm được chi phí quản lý, giảm cường độ lao động cho người công nhân, đặc biệt là giảm được nguy cơ phóng điện gây sự cố.
 
Sau một thời gian vận hành an toàn, tháng 3/2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành quy trình vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao và giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đào tạo, chuyển giao công nghệ này trong hệ thống các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Kỹ sư Nguyễn Duy Minh Khang, Trưởng kíp vận hành Tổ thao tác lưu động Tuy Hòa cho biết, lưới điện do Truyền tải điện Phú Yên vận hành ở địa hình phức tạp, có nhiều vị trí cột nằm ở vực sâu, nên công tác kiểm tra, giám sát dây dẫn, mối nối, sứ cách điện… ngày trước rất khó khăn và khó phát hiện sự cố.
 
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, gần đây, Truyền tải điện Phú Yên đã đưa vào sử dụng flycam giúp kiểm tra đường dây điện nhanh và chính xác; sử dụng máy corocam soi vầng quang điện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vị trí sứ bị phóng điện do suy giảm cách điện hoặc do nhiễm bẩn; lắp camera giám sát ở các vị trí xung yếu để phát hiện khi có sự cố cháy rừng…
 
“Trong bối cảnh các nhà máy năng lượng tái tạo phát triển nhanh, các đường dây thường xuyên trong tình trạng đầy tải, nhờ áp dụng những công nghệ mới nên công tác quản lý vận hành đường dây được nâng cao giúp chúng tôi kịp thời phát hiện cũng như có kế hoạch xử lý nhanh khi xảy ra sự cố”, anh Khang nói.
 
Tăng cường chuyển đổi số
 
Cùng với áp dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học của ngành, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, những năm gần đây, Truyền tải điện Phú Yên đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, đồng bộ, từng bước hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số doanh nghiệp.
 
Từ tháng 9/2018, trạm biến áp 220kV Tuy Hòa trở thành trạm biến áp không người trực, đội ngũ vận hành được tái cơ cấu thành tổ thao tác lưu động Tuy Hòa. Để công tác quản lý vận hành, quản lý thiết bị được đảm bảo, trước đó, lãnh đạo Truyền tải điện Phú Yên đã chỉ đạo trạm biến áp 220kV Tuy Hòa số hóa, xuất file mềm và lưu trữ đầy đủ toàn bộ hồ sơ tài liệu như catalog, lý lịch thiết bị, các biên bản thí nghiệm, bản vẽ hoàn công, quy trình thao tác...
 
Bên cạnh đó, Truyền tải điện Tuy Hòa cũng tiến hành số hóa toàn bộ các tài liệu về phần đường dây như bản vẽ từng vị trí móng cột, bản vẽ hoàn công hệ thống tiếp địa, tổng kê sứ cách điện. Toàn bộ các tài liệu này được chia sẻ về các phòng chức năng thông qua hệ thống mạng nội bộ và Google Drive… Nhờ đó, việc quản lý thiết bị trở nên chặt chẽ; khả năng phối hợp, khai thác, xử lý thông tin linh hoạt và hiệu quả.
 
Trong quá trình hoạt động, 100% cán bộ, nhân viên Truyền tải điện Phú Yên áp dụng các chương trình phần mềm quản lý như các phần mềm quản lý sản xuất kinh doanh (ERP); quản lý kỹ thuật (PMIS); phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu đo đếm từ xa và theo dõi, phân tích tổn thất điện năng (MDMS); quản lý dự án đầu tư xây dựng... đồng thời triển khai báo cáo điện tử, chữ ký điện tử và E-office 3.0 trong toàn đơn vị.
 
Ông Tô Đình Trung, Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên, cho biết: Để mục tiêu chuyển đổi số thành công, Truyền tải điện Phú Yên nhận định rõ yếu tố con người, năng lực và chất lượng đội ngũ người lao động phải được đưa lên hàng đầu. Do vậy, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin, làm chủ công nghệ được đơn vị quan tâm sâu sắc.
 
Mặt khác, lãnh đạo Truyền tải điện Phú Yên cũng thường xuyên định hướng, nâng cao nhận thức, văn hóa và kỹ năng chuyển đổi số doanh nghiệp trong toàn đơn vị, giúp cho đội ngũ cán bộ công nhân viên đơn vị nắm vững chủ trương, định hướng, nhiệm vụ về lộ trình chuyển đổi số; có nhận thức cơ bản và sẵn sàng cho mục tiêu chuyển đổi số thành công.
 
Với những nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên, những năm qua, Truyền tải điện Phú Yên luôn đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời, các chỉ tiêu về an toàn lao động luôn đạt điểm cao nhất. Ông Tô Đình Trung, Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên.
 
 
Theo: Báo Phú Yên