Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Truyền tải Điện Lâm Đồng (Công ty Truyền tải Điện 3) ngày 11/1, ông Phan Đình Thiện, Giám đốc Truyền tải Điện Lâm Đồng cho biết, sản lượng điện Truyền tải điện Lâm Đồng nhận chủ yếu từ các nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh, Bắc Bình, Đồng Nai 2, thủy điện BOT Bảo Lộc và từ lưới 500kV qua máy biến áp AT2 trạm biến áp 500kV Di Linh để phân phối cho các phụ tải địa phương thuộc tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận qua hệ thống lưới 220kV và 110kV. Do vậy, sản lượng điện truyền tải phụ thuộc chủ yếu vào phương thức kết lưới của hệ thống điện.
Nguyên nhân sản lượng điện thương phẩm trong năm qua không đạt kế hoạch là do: Từ tháng 6/2019 về cuối năm, sản lượng phát của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong khu vực lên lưới 110kV và 22kV tăng, trong khi lại giảm sản lượng điện thương phẩm tiếp nhận từ lưới 220 kV. Mặt khác điện năng ở cấp điện áp 110 kV giao từ nhà máy Đại Ninh và Hàm Thuận về khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận cũng giảm thấp do nguồn điện mặt trời phát cao.
Theo Truyền tải Điện Lâm Đồng, thời tiết năm 2019 diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu nên ở khu vực Cao Nguyên thường xuyên có mưa rất to, kéo dài, nhiều giông sét và lốc xoáy khiến việc kiểm tra và công tác sửa chữa lớn trên đường dây gặp nhiều khó khăn, đồng thời làm phát sinh chi phí xử lý phòng chống bão lụt. Ảnh hưởng giông sét bão số 5, số 6 trong đầu tháng 11 cũng tác động đến an toàn lưới điện truyền tải trong khu vực.
Truyền tải Điện Lâm Đồng đảm nhiệm quản lý, vận hành lưới điện truyền tải thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng với qui mô tính đến cuối năm 2019 gồm:148,5 km mạch đơn đường dây 500kV;322,4 km đường dây 220kV; trong đó có 239,4 km mạch đơn và 62,231 km mạch kép; 1 Trạm biến áp 500 kV với tổng dung lượng 450 MVA và 2 Trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng 540 MVA.
Trong năm 2019, khối lượng quản lý vận hành của Truyền tải Điện Lâm Đồng tăng thêm 1 máy biến áp AT2 công suất 125MVA tại trạm biến áp (TBA) 220kV Đức Trọng, được đóng điện đưa vào vận hành trong tháng 6/2019 và Nâng công suất máy biến áp AT1 TBA 220kV Bảo Lộc từ 63MVA lên 125MVA đã đưa vào vận hành trong tháng 11/2019.
Cũng trong năm 2019, tổn thất điện năng trên địa bàn Truyền tải Điện Lâm Đồng quản lý là 1,35%, so với kế hoạch 2019 Công ty giao là 0,78%; trong đó, tổn thất trên lưới 220kV là 0,99%, so với kế hoạch 0,48% và tổn thất trên lưới 500kV là 1,27%, so với kế hoạch là 0,99%.
Nguyên nhân chỉ tiêu tổn thất điện năng không đạt kế hoạch và cao là do ảnh hưởng công suất phát của các nhà máy điện mặt trời khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Bên cạnh đó, công suất truyền tải trên một số đường dây 220kV như Đa Nhim- Đức Trọng, Đức Trọng – Di Linh và qua máy biến áp 500 kV AT2 TBA Di Linh tăng cao. Cụ thể, sản lượng qua máy biến áp 500kV Di Linh tăng đến 63% so với cùng thời điểm năm 2018.
Ngoài nguyên nhân do đóng điện máy biến áp AT2 Đức Trọng làm tăng tổn thất trên máy biến ápdo mang tải nhỏ, một nguyên nhân nữa cũng làm cho chỉ tiêu tổn thất điện năng vượt kế hoạch là do cách tính toán về tổn thất điện năng.
Phân tích của Truyền tải Điện Lâm Đồng cho thấy, nếu như trước đây, điểm tính toán điện năng giao nhận và tổn thất của đơn vị bao gồm phạm vi nhà máy Hàm Thuận và Đa Mi, nhưng từ tháng 3/2019, theo yêu cầu của Phòng Điều độ Công ty đơn vị đã chuyển giao cho Truyền tải Điện Bình Thuận. Do đó, dẫn đến tổn thất trên lưới 220kV bị ảnh hưởng khá lớn.
Tổn thất điện năng trên địa bàn Truyền tải Điện Lâm Đồng quản lý trong năm 2019 tăng còn do mất phần sản lượng nhận và giao ngay của các đường dây 220 kV Hàm Thuận - Long Thành, Đa Mi- Xuân Lộc và Hàm Thuận - Phan Thiết.