Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Đến hết năm 2021 EVN có 35 nhà máy thủy điện gồm các nhà máy trực thuộc EVN và trực thuộc các Tổng công ty phát điện, tổng công suất đặt là 12.830 MW chiếm 16,4% tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam.
EVN đang triển khai qua trình chuyển đổi số, trong đó có công tác sản xuất - bảo trì và vận hành các nhà máy thủy điện. Kế hoạch chuyển đổi số cho công tác vận hành và bảo trì các nhà máy thủy điện thuộc EVN thực hiện theo Nghị Quyết số 68/NQ-HĐTV ngày 17/2/2021 của HĐTV EVN về việc phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025. Thông qua hội thảo, EVN mong muốn đối tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận hành và bảo trì, để EVN có thêm kênh tham khảo và các giải pháp để áp dụng cho các nhiệm vụ chuyển đổi số của mình.
Theo Ban Kỹ thuật – Sản xuất (EVN): Hiện nay, 100% các Nhà máy thủy điện thuộc EVN đã được trang bị các hệ thống điều khiển phân tán của nhiều hãng khác nhau như GE, ABB, Andritz, Metso, Schneider, Mitsubishi. Số lượng tín hiệu vận hành được số hóa và lưu trữ tại các hệ thống nêu trên tại các nhà máy điện là rất lớn, tuy nhiên việc tiếp cận và khai thác các dữ liệu này đang gặp nhiều khó khăn do: dữ liệu nằm cục bộ tại các hệ thống với các chuẩn giao thức khác nhau; việc truy cập vào hệ thống DCS khó khăn do yêu cầu về an toàn bảo mật thông tin; các công cụ khai thác dữ liệu hạn chế và khó sử dụng.
Hội thảo được tổ chức ngày 29/3, tại Hà Nội.
Về hiện trạng trong công tác bảo trì, EVN đã áp dụng chính sách bảo dưỡng sửa chữa tập trung vào độ tin cậy (RCM II) đối với các nhà máy thủy điện trực thuộc từ năm 2020. Một số chức năng quản lý bảo trì cũng đã được phát triển trên phần mềm PMIS. Tuy nhiên chưa có được một hệ thống quản lý sửa chữa bảo dưỡng bằng máy tính đúng nghĩa và hoàn chỉnh. Một số dữ liệu giám sát trực tuyến tổ máy và máy biến áp từ các NMTĐ cũng đã được kết nối về trụ sở của Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) để phân tích đánh giá phục vụ cho các công tác bảo trì.
EVN gặp một số khó khăn trong công tác bảo trì như: Xác định tuổi thọ của các thiết bị để đưa ra chu kỳ thay thế thiết bị phù hợp; Thiết lập các bộ chỉ số định lượng đối với các thiết bị để áp dụng phương pháp bảo trì theo hiện trạng CBM – hay phương pháp bảo trì tiên đoán. Sự thay đổi liên tục phần cứng và phần mềm của các dòng sản phẩm hệ thống điều khiển (DCS, điều tốc, kích từ) của các hãng. Chưa có cơ sở dữ liệu kinh nghiệm đủ lớn về hư hỏng thiết bị phục vụ sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của và Công ty TNHH Andritz Việt Nam đã chia sẻ các chuyên đề như: Chiến lược toàn cầu trong lĩnh vực tự động háo và giải pháp chuyển đổi số trên cơ sở nền tảng tiêu chuẩn ISO 55000 cũng như giải pháp và dịch vụ đáp ứng công tác tùy biến và đa dạng hóa quy mô các dịch vụ bảo trì và vận hành; Các dự án điển hình áp dụng giải pháp giám sát tập trung vào vận hành và bảo trì nhà máy điện; Các dự án bảo trì và vận hành điển hình, trong đó làm nổi bật các công tác điều phối và các kế hoạch phân chia công việc đã được phát triển với các khách hàng và đối tác; Các công nghệ phát triển các hạ tầng Trung tâm giám sát và chẩn đoán, bao gồm công nghệ thu thập và quản lý dữ liệu sẽ được trình bày; Các giải pháp công nghệ của Andritz, đặc biệt là nền tảng Metris DiOMera có khả năng hỗ trợ toàn bộ chu trình vận hành và bảo trì.
Kim Thái