Chuyển động năng lượng

Tương lai kinh tế xanh nhờ chuyển đổi năng lượng bền vững

Thứ tư, 29/1/2025 | 10:23 GMT+7
Kinh tế xanh cần chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Kinh tế xanh là trạng thái kinh tế vận động tương lai của nhân loại. Để kinh tế xanh vận hành đúng nghĩa, cần chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và năng lượng mới hay gọi chung năng lượng xanh.

Kinh tế xanh là trạng thái kinh tế vận động tương lai của nhân loại. Để kinh tế xanh vận hành đúng nghĩa, cần chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và năng lượng mới hay gọi chung năng lượng xanh. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tập trung đầu tư đáng kể để nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi xanh năng lượng hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và Việt Nam cũng cần thích ứng phù hợp.

Khung tham chiếu toàn cầu và động lực phát triển kinh tế xanh

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định rằng Hoa Kỳ – nền kinh tế lớn nhất toàn cầu – đang dẫn đầu mô hình phát triển kinh tế xanh, đóng vai trò khung tham chiếu quan trọng cho nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước thuộc nhóm G7, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và các nền kinh tế phát triển.

Trong gần 350 năm lịch sử, cơ cấu năng lượng của Hoa Kỳ đã thay đổi đáng kể. Vào thế kỷ 18 và 19, nguồn năng lượng chủ yếu là gỗ và than đá. Đến đầu thế kỷ 20, dầu mỏ và khí tự nhiên xuất hiện trong cơ cấu năng lượng. Tiếp đó, thủy điện được bổ sung vào năm 1950, năng lượng hạt nhân vào năm 1975 và năng lượng tái tạo vào đầu thế kỷ 21. Đến năm 2022, năng lượng tái tạo chiếm 12% trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Hoa Kỳ, với các nguồn như gió, mặt trời, thủy điện và nhiên liệu sinh học. Riêng năm 2023, năng lượng tái tạo chiếm 13%, trong đó năng lượng gió dẫn đầu với 29%, tiếp theo là thủy điện (18%) và năng lượng mặt trời (14,2%).

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ mà còn lan rộng sang Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Úc và các quốc gia ASEAN. Các quốc gia tiên phong như các nước Bắc Âu và thành viên EU đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe như Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) và Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu năng lượng.

Đồng thời, công nghệ năng lượng mới như hydrogen và các mô hình kinh tế tuần hoàn cũng được triển khai nhằm thay thế năng lượng truyền thống. Nhiều tập đoàn lớn như Meta (Hoa Kỳ) và Huawei (Trung Quốc) đang đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp giảm phát thải ròng, tiến tới phát thải âm. Các ngành công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), và số hóa đều yêu cầu nguồn năng lượng xanh làm nền tảng.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, làn sóng chuyển đổi xanh không chỉ thúc đẩy kinh tế xanh mà còn lan tỏa rộng rãi, thu hút sự tham gia của chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Đây chính là động lực giúp thế giới tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc 2060.

Hành trình tất yếu của Việt Nam để phát triển bền vững

Đối với Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, khẳng định rằng việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 khiến phát triển kinh tế xanh trở thành mục tiêu không thể thiếu. Trong đó, chuyển đổi xanh năng lượng được xem là yếu tố tiên quyết, góp phần quan trọng trong quá trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cùng với Quy hoạch điện VIII (2023), Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển kinh tế xanh làm định hướng chiến lược, thúc đẩy chuyển đổi xanh năng lượng thông qua các chính sách pháp luật như Luật Điện lực sửa đổi (2024) và Luật Sử dụng tiết kiệm năng lượng. Những quy định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tập đoàn và địa phương đổi mới, mà còn khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế xanh, mở ra cơ hội phát triển bền vững.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2015-2021, tổng cung năng lượng sơ cấp tăng từ 66.146,9 KTOE lên 99.591,9 KTOE, tương đương mức tăng 1,5 lần. Điều này thể hiện khả năng đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam, giúp nền kinh tế vượt qua các cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng cũng tăng từ 52.961,7 KTOE lên 69.996,8 KTOE, tức tăng 1,3 lần, phản ánh quy mô thị trường năng lượng không ngừng mở rộng, tạo động lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh năng lượng đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, bao gồm nghiên cứu phát triển các loại năng lượng mới, nâng cấp hạ tầng năng lượng, cải tiến mô hình kinh doanh, tăng dự trữ năng lượng và đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Tỷ lệ tiêu thụ điện năng trong tổng tiêu thụ năng lượng đã tăng từ 22,9% (2015) lên 27,7% (2021), trong khi tỷ lệ năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện) tăng từ 19% lên 19,2% trong cùng giai đoạn.

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp lên 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045. Đồng thời, Việt Nam phấn đấu đạt độ tin cậy cung cấp điện thuộc nhóm bốn quốc gia dẫn đầu ASEAN vào năm 2030, tạo nền tảng cho giai đoạn chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế.

Giải pháp thúc đẩy nền tảng phát triển kinh tế xanh Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh năng lượng là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thúc đẩy kinh tế xanh phát triển bền vững tại Việt Nam. Ông cho rằng sự chậm trễ trong tiến trình này sẽ dẫn đến chi phí điều chỉnh cao hơn, lợi ích dài hạn như doanh thu hay lợi nhuận có thể bị đình trệ. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp hoặc quốc gia thiếu chủ động có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đẩy mạnh chuyển đổi xanh năng lượng, một số giải pháp đã được đề xuất. Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, việc hiểu rõ các đặc điểm, tiêu chí và quy luật phát triển của kinh tế xanh là bước đầu tiên để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Kinh tế xanh cần được nhìn nhận là mô hình thay thế hiệu quả cho kinh tế truyền thống, với khả năng tối ưu hóa nguồn lực. Ông nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu các mô hình kinh tế xanh quốc tế, qua đó học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhằm xây dựng chiến lược, chính sách phù hợp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức các hội thảo, tọa đàm và diễn đàn để tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan như nhà khoa học, doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định chính sách.

Ông Lạng cũng cho rằng việc thiết lập một lộ trình chi tiết và toàn diện là cần thiết để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra đồng bộ. Trước tiên, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn phân loại năng lượng xanh dựa trên bản chất, hàm lượng yếu tố xanh và phương pháp đánh giá cụ thể. Điều này sẽ giúp nhận dạng chính xác mức độ “xanh” của từng loại năng lượng, từ đó đề ra các giải pháp tối ưu, như hạn chế năng lượng hóa thạch và thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Lộ trình này cần đặt trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác để loại bỏ tình trạng bất cân xứng và giảm thiểu chi phí điều chỉnh. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư nghiên cứu nhằm nắm bắt các tiến bộ trong phân loại năng lượng xanh và xây dựng định mức đầu tư phù hợp.

Một bộ máy tổ chức khoa học và hợp lý là nền tảng để thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi. Việc phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, địa phương và đối tác quốc tế sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển năng lượng xanh. PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh vai trò của việc thu hẹp dần và tiến tới loại bỏ năng lượng hóa thạch thông qua các chính sách thuế cao hoặc đóng cửa các nguồn phát thải cao.

Ngoài ra, ông đề xuất thiết lập các cơ chế bảo hộ, hỗ trợ năng lượng tái tạo và thúc đẩy thương mại hóa các nghiên cứu trong lĩnh vực này để tăng tác động lan tỏa.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, việc tái cơ cấu ngành năng lượng theo hướng lấy năng lượng xanh làm trọng tâm là bước đột phá chiến lược. Đồng thời, thúc đẩy cạnh tranh nội bộ ngành để hình thành cơ cấu tối ưu, với năng lượng xanh trở thành ngành mũi nhọn, vừa thay thế năng lượng truyền thống, vừa tạo nền tảng công nghệ độc lập và tự chủ.

Về nguồn tài chính, ông khuyến nghị tận dụng đa dạng nguồn lực từ ngân sách, đầu tư tư nhân, quốc tế và xã hội hóa. Đặc biệt, cần thu hút các tập đoàn năng lượng xanh lớn trên thế giới, đồng thời học hỏi kinh nghiệm để áp dụng sáng tạo tại Việt Nam. Chuyển đổi xanh năng lượng không chỉ là xu hướng, mà còn là yêu cầu bắt buộc để Việt Nam bắt kịp tốc độ phát triển toàn cầu, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh bền vững.

Thực tiễn phát triển kinh tế hiện đại của các quốc gia cho thấy, mọi sự thay đổi mang tính đột phá về kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trước hết, đều bắt đầu bằng chuyển dịch năng lượng, thay thế từng bước năng lượng hiện có bằng năng lượng thay thế. Với sự xuất hiện năng lượng điện, loài người chuyển sang giai đoạn văn minh- sản xuất hàng loạt, tự động hóa năng lượng đáp ứng quy mô gia tăng của nền kinh tế. Với sự xuất hiện năng lượng hạt nhân, trình độ phát triển kinh tế nhân loại có thêm một bước tiến lớn theo hướng đa dạng hóa nguồn năng lượng với sự xuất hiện năng lượng sạch. Đây là tiền đề để chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng giảm năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng xanh. Các loại năng lượng xanh như hydrô xanh, amôniắc, thủy điện, thủy triều, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối đang tạo ra cơ cấu năng lượng mới là nền tảng để hướng tới nền kinh tế xanh.

Link gốc

Theo: Báo Công Thương