Quản lý năng lượng

Ứng dụng công nghệ chiếu sáng của thế kỷ 21 ​

Thứ ba, 23/1/2018 | 11:08 GMT+7
Ước tính mỗi năm, TPHCM chi 130 tỷ đồng cho việc chiếu sáng công cộng và nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng hiện tại bằng đèn LED sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều điện năng - quy ra tiết kiệm được 88 tỷ đồng/năm; đặc biệt, sẽ giảm số lượng phát thải khí CO2 ra môi trường...
                      
Đèn LED chiếu sáng tại Công viên Văn Lang Ảnh: CAO THĂNG
 
Siêu tiết kiệm 
 
Báo cáo của dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED” (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc) cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước đang phát triển tiêu thụ điện năng nhiều nhất. Trong đó, mức tiêu thụ điện năng cho nhu cầu chiếu sáng ước tính 25%. Trong khi vấn đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường hiện là vấn đề cấp bách của toàn thế giới, vì đang trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng. Theo Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ và dịch vụ (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED là một trong những hướng phát triển quan trọng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng của nhiều quốc gia với hàng loạt ưu điểm vượt trội so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống, như tuổi thọ cao, chất lượng chiếu sáng tốt, tiết kiệm điện năng, độ trả màu cao, thân thiện với môi trường (không có thủy ngân), kích thước nhỏ gọn có thể thay đổi nhiều nguồn sáng khác… và đặc biệt là khả năng tiết kiệm điện rất lớn, có thể lên đến 70%. 
 
Ông Trần Đình Bắc, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, cho biết ngành chiếu sáng Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Công nghệ chiếu sáng LED đang trở thành xu hướng tất yếu, từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 25%/năm. Nếu đẩy nhanh việc sử dụng đèn LED và đèn tiết kiệm năng lượng thì sẽ giảm nguồn năng lượng sử dụng rất lớn. Để đèn LED có giá trị cốt lõi chất lượng cao và giá thành hợp lý, các nhà sản xuất trong nước cần làm chủ được thiết kế và quy trình công nghệ của mình để từ đó đưa ra những sản phẩm chất lượng tốt, tạo được niềm tin với người tiêu dùng, không thực hiện lắp ráp kiểu sao chép để đưa ra những sản phẩm kém chất lượng. 
 
Gỡ rào cản
 
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bóng đèn LED, nhưng đa phần các doanh nghiệp chỉ sản xuất được một phần thiết bị hoặc lắp ráp, hoặc nhập về dán logo rồi bán ra thị trường. Theo bà Nguyễn Thanh Hương Thảo, Giám đốc xuất khẩu Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ngoài yếu tố về giá và chất lượng thì những hạn chế về mặt kỹ thuật cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng chưa phát triển mạnh. Bên cạnh đó, rào cản lớn đối với các doanh nghiệp trong nước hiện nay là hàng nhập từ Trung Quốc hoặc có cơ sở trong nước nhập linh kiện về lắp ráp, sao chép giản đơn rồi quảng cáo phóng đại khiến đèn LED chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
 
Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng Việt Nam, trước mắt nếu muốn chiếm lĩnh thị phần trong nước và xuất khẩu, cần định hướng phát triển và đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế công nghệ toàn cầu; ban hành cơ chế chính sách như huy động các nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu áp dụng đèn LED trong chiếu sáng đường phố. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sử dụng tiết kiệm điện và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, cũng như xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho các công ty chiếu sáng bao gồm đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý... nhằm bảo dưỡng đèn LED trong chiếu sáng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 
 
Theo ông Phan Hồng Khôi, Giám đốc điều hành dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam, công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED đã và đang được các nước trên thế giới nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả, là công nghệ chiếu sáng của thế kỷ 21. Tuy nhiên, thị trường chiếu sáng bằng công nghệ đèn LED đang rất hỗn độn với đủ các chủng loại sản phẩm và chất lượng. Những thông tin hướng dẫn, tư vấn cũng còn yếu khiến khách hàng nhầm lẫn trong sự lựa chọn, thiếu lòng tin về chất lượng và lợi ích của công nghệ này.
 
Nhà nước cần ban hành và thực thi những chính sách nhằm khuyến khích phát triển công nghệ sản xuất đèn LED; ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, linh kiện, có lộ trình thay thế các nguồn sáng truyền thống, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm. Các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ chiếu sáng cần cung cấp thông tin đúng, rõ ràng về ưu nhược điểm của sản phẩm đèn LED để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. 
 
Theo: SGGP