Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Thực hiện Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ, trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
"Tuy nhiên, ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức" - Ông Võ Tuấn Nhân khẳng định.
Để vượt qua những khó khăn, trở ngại, tăng cường và mở rộng nghiên cứu, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường nói riêng, việc trao đổi kết quả và hợp tác giữa các tổ chức và cá nhân liên quan có vai trò rất quan trọng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng kết quả của Hội thảo lần này sẽ góp phần tổng kết, đánh giá kết quả, thực trạng nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá để định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng mới, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức, cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và quốc tế liên quan.
Toàn cảnh hội thảo.
Báo cáo “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường”, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hữu Hùng cho biết: Thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số: 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2011), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ như:
1/ Xây dựng, hoàn thiện cơ bản cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ;
2/ Triển khai hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật đồng vị và kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực: Phát triển ứng dụng các kỹ thuật đo bức xạ và phân tích hạt nhân trong địa chất, khoáng sản, môi trường và khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hùng, kỹ thuật hạt nhân và đồng vị đã được áp dụng trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường còn rất nhiều hạn chế.
Cụ thể, trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, chủ yếu kỹ thuật hạt nhân và đồng vị được áp dụng trong các đề tài nghiên cứu, các đề tài điều tra…
Trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và tài nguyên môi trường, hầu như trong thời gian gần đây chưa đưa được vào ứng dụng trong các dự án/ đề án điều tra cơ bản.
Trong lĩnh vực đất đai, môi trường, biển và hải đảo, có nhiều tiềm năng ứng dụng, song chưa đưa vào ứng dụng trong các đề tài nghiên cứu…
Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo ông Nguyễn Hữu Hùng là do yếu kém về nguồn lực con người, mức đầu tư của các tổ chức cho nghiên cứu và môi trường chưa cao; đặc biệt là nguồn lực tài chính, máy móc trang thiết bị còn hạn chế.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Hữu Hùng đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, về nghiên cứu khoa học: Phối hợp giữa các nhà khoa học trong và ngoài bộ để lồng nghép các chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, các đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ để giải quyết các vấn đề về tài nguyên và môi trường…
Thứ hai, về điều tra cơ bản, đưa các phương pháp ứng dụng kỹ thuật và hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các tổ hợp phương pháp điều tra cơ bản để thiết kế trong các dự án/ đề án điều tra cơ bản; đồng thời huy động các chuyên gia, kể cả các chuyên gia ngoài bộ, tham gia quá trình xây dựng và thực hiện các đề tài/ dự án này.
Tiếp đó, tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bầy các công trình nghiên cứu, các báo cáo đánh giá khoa học về tiềm năng ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường như: “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về TNMT”; “Mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia”; “Ứng dụng kỹ thuât đồng vị và hạt nhân trong điều tra đánh giá xói mòn đất”; “Ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong điều tra, đánh giá phụ vụ quản lý tài nguyên nước”; “Sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong đánh giá an toàn đê đập”…
Qua đó một lần nữa khẳng định nhu cầu về việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản trong các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường là rất lớn.