Triển khai sửa chữa điện nóng tại hiện trường.
Cùng với việc đưa hệ thống SCADA/ DMS (Hệ thống điều khiển giám sát và thu nhập dữ liệu/ hệ thống quản lý lưới phân phối) và Trung tâm điều khiển tỉnh Quảng Trị vào hoạt động, từ năm 2017, PC Quảng Trị đã triển khai dự án lắp đặt bổ sung, thay thế thiết bị phân đoạn, khép vòng lưới điện trung áp. Với mục tiêu là cấu trúc lại lưới điện trung áp theo hướng vận hành linh hoạt, phân chia lưới điện thành các phân đoạn từ 3.000 đến 5.000 khách hàng, khi đó nếu sự cố xảy ra thì cắt điện công tác trên từng phân đoạn để không làm mất điện các phân đoạn khác. Nhờ đó nâng cao tính linh hoạt, giảm thời gian mất điện thao tác với việc các phần tử đóng cắt, bảo vệ trên lưới đều được giám sát và điều khiển tại trung tâm. Trong đó các Recloser và LBS kết nối đến hệ thống SCADA/DMS, được giám sát và điều khiển tại trung tâm. Các chỉ tiêu chính đã được tính toán dưới các thông số như tổn thất điện năng khi chưa có dự án là 3,34%, sau khi thực hiện dự án là 2,42%; tổn hao điện áp khi chưa có dự án là 6,90% , sau khi thực hiện dự án là 4,95%; SAIDI (chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối) khi chưa có dự án là 1.739 phút, sau khi có dự án là 900,43 phút; SAIFI (chỉ số về số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối) khi chưa có dự án là 11,38 lần, sau khi có dự án là 8,66 lần; MAIFI (chỉ số về số lần mất điện thoáng qua trung bình của lưới điện phân phối) khi chưa có dự án lần 3,06 lần, sau khi có dự án là 2,29 lần. Đây là dự án sử dụng các thiết bị công nghệ cao, phạm vi xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh nên bộ phận kĩ thuật của PC Quảng Trị đã nghiên cứu đặc tính kĩ thuật của thiết bị, phương pháp thi công lắp đặt thiết bị và các vật tư, phụ kiện đi kèm như khóa néo, đầu cốt ép,…và có văn bản hướng dẫn chi tiết đến các điện lực trực thuộc. Mặt khác, do yêu cầu đặt ra là hạn chế tối đa việc cắt điện trên diện rộng với quyết tâm không để một khách hàng mất điện quá một lần do thi công dự án này; đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng vật tư thiết bị, xử lí kịp thời các vướng mắc về kĩ thuật để công trình đưa vào vận hành an toàn và đúng tiến độ.
Một giải pháp kĩ thuật được đội ngũ cán bộ, kĩ sư PC Quảng Trị xây dựng đó là sáng kiến “Điều khiển xa Recloser” nhằm đảm bảo yêu cầu về mặt kĩ thuật, an toàn, nâng cao các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, đặc biệt là các chỉ số SAIDI, MAIFI, đảm bảo hệ thống lưới điện các khu vực tỉnh Quảng Trị vận hành linh hoạt hơn, nâng cao chất lượng cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng. Sáng kiến điều khiển xa và quản lý các Recloser nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển thông qua giao tiếp truyền thông của Recloser thông qua đường truyền mạng di động kết nối máy tính điều khiển với Recloser bằng các phần mềm quản lý tương ứng. Hệ thống thu thập dữ liệu Recloser có khả năng thu thập dữ liệu trực tiếp theo thời gian thực từ các Recloser này, đảm bảo tính liên tục và chính xác của dữ liệu, phục vụ công tác vận hành và các ứng dụng nâng cao khác. Lưu trữ các sự kiện, thông số quá khứ nhằm phục vụ công tác vận hành, phân tích hệ thống điện một cách chuẩn xác và an toàn.
Một trong những nỗ lực của PC Quảng Trị trong việc ứng dụng các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó là việc đưa vào vận hành công nghệ sửa chữa điện nóng (Hotline). Nếu như trước đây, để thực hiện phần việc này thì toàn bộ xuất tuyến tại điểm xảy ra sự cố sẽ mất điện trong thời gian thao tác tách trạm, làm ảnh hưởng đến sử dụng điện của khách hàng. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng việc sửa chữa, bảo trì hệ thống điện được thực hiện trực tiếp trên lưới điện đang vận hành, không cần phải cắt điện, các phụ tải vẫn hoạt động bình thường. Qua thực tế hoạt động của công nghệ Hotline ở PC Quảng Trị đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài việc đảm bảo cung cấp điện liên tục phục vụ khách hàng, còn giúp đơn vị nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện, hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh hằng năm.
Để hoàn thành một lần sửa chữa điện nóng, các công nhân phải tiến hành các thao tác như đấu nối các nhánh rẽ trung thế, trạm biến áp phân phối, máy cắt, tụ bù vào đường dây 22kV đang mang điện; sửa chữa, thay thế các thiết bị đang mang điện trên đường dây như: FCO, CSV, máy cắt, DCL,...; thay sứ đứng các pha theo các hình thức trụ khác nhau; xử lí dây dẫn bị tưa trên đường dây tại các vị trí trụ khác nhau; xử lí cò lèo, mối nối; thay trụ điện theo các hình thức trụ khác nhau...Về công tác vệ sinh cách điện sẽ thực hiện các công việc như vệ sinh cách điện đứng, chuỗi cách điện đỡ, chuỗi cách điện néo, cách điện thiết bị treo trên trụ điện, cách điện thiết bị trong trạm biến áp… Mọi thao tác phải diễn ra tuyệt đối an toàn trước hết là nhằm bảo vệ tính mạng cho người trực tiếp sửa chữa nên các thao tác kĩ thuật phải được tập huấn rất kĩ càng để tránh các sai sót xảy ra.
Mặc dù việc đưa vào sử dụng công nghệ Hotline mất nhiều thời gian chuẩn bị và kinh phí đầu tư nhưng đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực cho ngành điện và người sử dụng điện. Đó là nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện đối với khách hàng; không phải cắt điện để công tác nên tăng sản lượng điện thương phẩm; không phải cắt điện để công tác nên không phá vỡ sơ đồ vận hành của hệ thống điện nên giảm được tổn thất điện năng; xử lí kịp thời các nhân tố gây sự cố nên giảm được sự cố trên lưới điện và đặc biệt là nâng cao sự hài lòng đối với khách hàng sử dụng điện.